Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức ngày 17-1, lãnh đạo các bộ, ban ngành và nhiều diễn giả đưa ra các góc nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chỉ rõ những thay đổi mà Việt Nam cần thực hiện ngay.
Thay đổi tư duy về 4.0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cuộc cách mạng 4.0 là cách mạng về chính sách, về tư duy chứ không đơn thuần về công nghệ. Công nghệ số, kinh tế số đã tạo ra những hình thức kinh doanh mới trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Chính phủ.
Từng dẫn dắt một tập đoàn về viễn thông, công nghệ, ông Hùng chỉ ra điểm then chốt để bắt kịp "chuyến tàu 4.0" là Chính phủ có sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chấp nhận cái mới và bỏ cái cũ hay không. Bộ trưởng Bộ TT-TT dẫn chứng về việc Uber ra đời thách thức những hãng taxi truyền thống, Fintech ra đời thách thức các nghiệp vụ của ngân hàng. Do đó, thay đổi tư duy đúng thời điểm sẽ giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh, có cơ hội trở thành "cái nôi" về công nghệ. Người đứng đầu Bộ TT-TT nhận định ở Việt Nam, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số mới chỉ mang tính tự phát. Để phát triển nhanh, bền vững và đúng lộ trình thì cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, cụ thể là cần có bộ chuyển đổi số thống nhất. Việt Nam đã đi chậm hơn so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết trong 3 đột phá của nền kinh tế có yếu tố nguồn nhân lực. Do vậy, phải có những bước đi phù hợp để đào tạo con người thích ứng với những yêu cầu trong bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế số ở Việt Nam đang còn hạn chế. Dẫn chứng cho điều này, ông Bình nhắc lại vụ kiện giữa một hãng taxi truyền thống và Grab. Theo ông, nếu khuôn khổ pháp lý hoàn thiện thì những vấn đề này sẽ không nảy sinh trong thực tiễn. "Trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá" - ông Bình nói.
Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn
Cải thiện một cách thực chất
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 dành một phiên thảo luận để mở ra các hướng đi cho phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Góp tiếng nói của DN tư nhân tại diễn đàn, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết Chính phủ từng nhấn mạnh những gì tư nhân làm được thì nên tạo điều kiện để tư nhân làm, nên bà kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế rõ ràng để phát triển việc này. Theo bà Thảo, DN hoạt động trong lĩnh vực hàng không đang bị phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ mặt đất, hạ tầng do nhà nước nắm giữ, trong khi tư nhân có thể bỏ vốn đầu tư, thậm chí làm rất tốt. Bà Thảo mong muốn DN tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng để không ảnh hưởng tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội. Sở dĩ bà Thảo có kiến nghị như vậy là bởi khi có cùng một sự cố, 2 hãng hàng không khác nhau bị ứng xử khác nhau. "Hai hãng hàng không cùng bị sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh như nhau, cách nhau 4-5 tháng nhưng chúng ta thấy giữa DN tư nhân và nhà nước bị phản ứng khác nhau. Chúng tôi muốn có cái nhìn tin tưởng hơn và công bằng hơn" - bà Thảo bày tỏ.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Eric Sidgwick cho rằng để bảo đảm lộ trình phát triển kinh tế trung hạn cho Việt Nam, cần bảo đảm hài hòa sự tham gia của tư nhân, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên; đồng thời cải cách, nâng cao hiệu quả DN nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công.
Không ngại "chảy máu chất xám"
Một thực tế được đặt ra tại diễn đàn là "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư. Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng không đáng ngại. Đảng và nhà nước xác định xây dựng con người toàn diện nhưng cũng tôn trọng lựa chọn của họ. Mỗi người đều có quyền lựa chọn làm việc ở khu vực công, khu vực tư, trong nước hoặc ngoài nước miễn là phát huy được khả năng của họ. Chúng ta tin tưởng những con người đó sẽ có cách xử lý hài hòa giữa lợi ích bản thân với nơi họ sống, nơi sinh ra, nơi đã tạo điều kiện, chắp cánh cho họ. Mặc dù vậy, Đảng và nhà nước cũng đã có nhiều chính sách về vật chất và tinh thần cho cán bộ yên tâm cống hiến, phát huy khả năng.
Bình luận (0)