Năng suất lao động của Việt Nam tăng đều trong các năm qua. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, cao gần gấp đôi năm 2011. Thông tin do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, ngày 7-8.
Nông, lâm nghiệp có năng suất lao động thấp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm. Hiện trong khu vực, Việt Nam đã là nước có năng suất lao động cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước. Trong đó, các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có năng suất lao động thấp nhất, đến năm 2018 đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 39% năng suất lao động của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, năng suất lao động các ngành trên của Malaysia gấp 11,9 lần của Việt Nam, Indonesia gấp 2,4 lần, Thái Lan gấp 2,1 lần.
Lý giải năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết có một số nguyên nhân như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng chậm, máy móc, thiết bị lạc hậu. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực thấp khi năm 2018 chỉ có 21,9% lao động có bằng cấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế.
Năng suất lao động ngành thủy sản ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Trong ảnh: Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá Ảnh: TỬ TRỰC
Dù đánh giá cao những cải thiện trong năng suất lao động những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách, tiền lương, khoa học công nghệ. "Tiền lương là điểm nghẽn lớn mà chúng ta phải nhìn ra để tìm hướng khắc phục, lương cao thì người lao động mới tận tụy được" - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng chỉ ra điểm yếu trong nền tảng khoa học - công nghệ cũng như việc ứng dụng chưa thể tạo ra "sức bung" cho năng suất lao động.
Cải cách thể chế, chọn ngành mũi nhọn
Từ góc độ doanh nghiệp (DN), ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, cho rằng công nghệ và thể chế là yếu tố cốt lõi tăng cao năng suất lao động nhưng Việt Nam chưa thực sự chú trọng 2 yếu tố này. Đó là chưa kể vấn nạn phong bì vẫn tồn tại.
Ông Huyền dẫn chứng một số trường hợp nhân viên học tập ở nước ngoài về với hy vọng cống hiến cho công ty nhưng khi đối diện với nạn phong bì thì nản chí. "Nếu tiếp tục có tệ phong bì, phong bao, chi phí không chính thức nhiều như hiện nay, chúng ta sẽ làm mất ý chí người lao động. Như vậy liệu có tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được hay không?" - ông Huyền đặt vấn đề.
Còn theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel, danh sách ngành mũi nhọn hiện nay có đến hàng trăm cái tên nhưng chỉ có vài ngành thật sự là mũi nhọn. "Chúng ta phải quy hoạch ngành nghề để xem người Việt Nam phù hợp với ngành nghề nào; trong đó có một số ngành ưu thế như công nghệ thông tin, phần mềm, công nghệ sinh học, dịch vụ. Không nên coi ngành nào mình cũng là nhất, mà chỉ nên tập trung những ngành trọng tâm. Cần quy hoạch các DN tiên tiến, DN mạnh để làm nền tảng, đóng vai trò dẫn dắt các DN khác đi lên" - ông Dũng nói.
Ưu tiên thu hút người tài
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các DN, chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào cải thiện năng suất lao động quốc gia; kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư và người dân đồng lòng cùng tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động.
Để thực hiện được việc này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ về thể chế để nguồn nhân lực được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cải thiện thị trường lao động ở cả phía cung và cầu. Qua đó, mọi người dân đều có thể tham gia thị trường lao động, có việc làm và phát huy được thế mạnh của mình.
Thu hút người tài trong và ngoài nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành. "Cần thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam" - Thủ tướng yêu cầu và lưu ý trong khâu đào tạo kỹ năng chuyên môn cho người lao động, cần ưu tiên định hướng đào tạo các tài năng cá biệt.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng nhấn mạnh người lao động phải được trang bị kiến thức về công nghệ mới có thể phát huy được năng lực. Bởi vậy, đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ là chính sách ưu tiên của Chính phủ. "Chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho người lao động và đầu tư cho công nghệ phải song song nhau để bảo đảm tương thích và hiệu quả tốt nhất" - Thủ tướng chỉ đạo.
Dựa dẫm lao động giá rẻ
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng Việt Nam cạnh tranh với các nước chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp; trong khi Thái Lan, Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore đi đầu với các sản phẩm có trình độ kỹ thuật cao.
Ông Lộc nhấn mạnh việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các DN Việt Nam lơ là áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Bình luận (0)