Ngày 14-12, hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)" được tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ. Nhiều lãnh đạo địa phương và các chuyên gia đã cùng nhau nhìn lại kết quả qua 1 năm triển khai, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả nghị quyết trong thời gian tới.
Lan tỏa tư duy kinh tế
Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết sau khi đón nhận Nghị quyết 120 của Chính phủ, địa phương đã triển khai tinh thần Nghị quyết và đồng thời cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng bằng những việc làm cụ thể. Đồng Tháp xác định cần phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để thích ứng với BĐKH chứ không độc canh cây lúa. Cũng theo ông Hoan, muốn tháo gỡ nút thắt trong nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần hình thành một thiết chế với tên gọi "Hiệp hội cho từng ngành hàng chủ lực" trong vùng, có sự tham gia của cộng đồng DN, nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành và những người nông dân, mà đại diện là các hợp tác xã, hội quán. "Từ những hiệp hội ngành hàng như vậy, chúng ta kết nối được sức mạnh, làm lan tỏa tư duy kinh tế đến người sản xuất và sẽ có những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ phù hợp với thực tiễn của ĐBSCL" - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định.
Ruộng mía bị ngập gây nhiều thiệt hại cho nhà nông
Cũng là địa phương trong vùng ĐBSCL phải chịu tác động ngày càng rõ nét của BĐKH, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhận định: "Con người không thể chống lại BĐKH mà chỉ có thể đề ra các giải pháp thích ứng và chủ động ứng phó". Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng để chủ động thích ứng cùng với các điều kiện đang có, Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.
"Thuận thiên dã tồn"
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng việc tạo dựng các chính sách thích hợp để có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa lớn. "Cách tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là "thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định". Đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định. Điều này hoàn toàn thuận thiên, giảm bớt sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên và tránh được khả năng hối tiếc về sau do những yếu tố bất định của một thế giới đang trong thay đổi nhanh chóng. Thực tế hiện nay có thể dùng câu "thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong" để nói về phát triển thuận thiên ở ĐBSCL" - ông Tuấn nhận định.
GS-TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ cần phải có "nhạc trưởng" trong điều hành. "Hiện nay, Trường ĐH Cần Thơ đang phối hợp với các đơn vị, DN thực hiện 3 mô hình về tích tụ ruộng đất. Chúng tôi sẽ làm nhiều việc vì sự phát triển của ĐBSCL. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành để phát triển vùng phù hợp, sử dụng đất đai hiệu quả nhất để tăng thu nhập người dân, phát triển bền vững ĐBSCL" - ông Toàn cho biết.
Theo dự báo, từ nay đến cuối thế kỷ này, mực nước biển trung bình dâng lên từ 50 - 70 cm. Có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị chìm ngập; khoảng 75% diện tích canh tác hiện nay sẽ bị nhiễm mặn vào mùa khô; khoảng 40%-50% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được.
Bình luận (0)