Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 25-7 về tình hình kinh tế - xã hội, Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) tiếp tục đề cập đến tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp bách về mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết thì nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư, mua sắm. Chưa kể có thể xuất hiện một số tình huống phát sinh phức tạp hơn nữa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại phiên họp chiều 25-7
Măc dù Chính phủ đã ra các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có độ trễ nhất định.
"Trong bối cảnh đó, ngày hôm qua 24-7, Quốc hội đã thể hiện sự cấp bách này bằng việc bổ sung nội dung về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vào chương trình để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất"- đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Xuân cho rằng không nên đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp, mà cần có một Nghị quyết chuyên đề riêng, với tên gọi riêng. Vì trong khi nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa thể sửa đổi, bổ sung, thì việc ra một Nghị quyết riêng của Quốc hội là cần thiết, khách quan, tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.
Cũng do tình hình dịch bệnh phức tạp, đại biểu tỉnh Đắk Lắk đánh giá dù chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm. Chính vì vậy, việc tiết kiệm chi ngân sách là rất cần thiết, đại biểu Xuân kiến nghị Chính phủ cần tính toán để tiết kiệm chi thường xuyên. "Tạm dừng đầu tư các dự án đầu tư công không cần thiết, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19"- đại biểu Xuân phát biểu trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng lưu ý đến việc đảm bảo lưu thông hàng hoá. Theo bà, cần có giải pháp kết hợp chuỗi sản phẩm, lưu thông hàng hóa đến các đô thị và các vùng dịch, đảm bảo vận chuyển nông sản nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất.
"Tôi cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, xem xét báo cáo Chính phủ việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống xấu nhất"- đại biểu Xuân nêu rõ.
Vị đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng và trồng thêm cây xanh.
Bình luận (0)