Sáng 12-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP HCM. Cùng với việc góp ý tại đợt họp trực truyến trước đó, gần 20 ý kiến các đại biểu (ĐB) QH đều bày tỏ ủng hộ, tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện CQĐT mà không qua thí điểm.
Phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM), qua thảo luận tại phiên họp trực tuyến và hôm nay cho thấy sự ủng hộ khá cao của các ĐBQH.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng tổ chức CQĐT tại TP HCM phù hợp với thực tiễn, phù hợp cả về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn tại TP. Đó là một quá trình hoàn thiện, đến nay, TP thấy chín muồi các điều kiện để trình với QH, Chính phủ cũng đã có tờ trình. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận lúc bà làm Chủ tịch HĐND TP HCM, trong thời gian thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường tại TP HCM từ tháng 6-2011 đến tháng 12-2018 là một thời kỳ vừa có thuận lợi vừa có khó khăn trong quá trình hoạt động của HĐND. Song, một ý chí chính trị đặt ra đối với HĐND TP và Đảng bộ của TP là quyết tâm thực hiện thí điểm thành công, vấn đề nào vướng mắc đề nghị được tháo gỡ.
Trong quá trình thực hiện thí điểm HĐND, TP đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân. Có nhiều biện pháp, cách làm mới, sáng tạo để không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường nhưng quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy tốt. Vai trò đại diện quyền làm chủ đó của HĐND được nhân dân thừa nhận. Kết quả của nó đã tác động tích cực với nhiều giải pháp hiệu quả, với những quyết định mang tính chất có yếu tố ý chí của nhân dân và trí tuệ của HĐND để giúp cho kinh tế - xã hội của TP tiếp tục phát triển.
ĐB Quyết Tâm cũng cho rằng quyền đại diện của nhân dân không bị hạn chế và vai trò của từng ĐB HĐND được phát huy. Ví dụ, các tổ ĐB và ĐB không phải đến kỳ chuẩn bị họp HĐND mới tiếp xúc cử tri mà tổ chức tiếp xúc cử tri và tiếp công dân hằng tuần tại địa bàn của quận, huyện. "Ngoài ra, chúng tôi giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đối với các chính quyền. HĐND còn tổ chức các kênh đối thoại trực tiếp với nhân dân thông qua Đài Truyền hình TP HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, mỗi tháng một kỳ để kết nối, giữ mối liên hệ với cử tri" - bà Quyết Tâm cho hay.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, thời gian thí điểm là một thực tiễn rất sinh động để chứng minh rằng đây là thời kỳ chín muồi để TP HCM xin QH cho phép thực hiện CQĐT tại TP mà không nhất thiết phải qua thí điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) góp ý cho dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM Ảnh: Nguyễn Nam
Không chỉ phát triển cho riêng TP HCM
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng đi tìm mảnh ghép thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc và thể trạng TP HCM là nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo nơi đây qua các thời kỳ. "Câu chuyện TP không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế cho điều hành phát triển vốn không mới, nhưng rất đáng để chúng ta suy ngẫm" - ông nói.
Theo ĐB Nhân, ở góc độ lập pháp, nghị quyết khi triển khai được cho là góp phần giảm ùn tắc thể chế, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế. Dự thảo nghị quyết như chuyển tải thông điệp về lẽ sống mà TP đã tìm kiếm và lựa chọn, từ trong khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình của mình về một mô hình chính quyền mà ở đó, mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển và dĩ nhiên là không chỉ dành riêng cho TP. Thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước "nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê Nga đồng hạng, như một chính quyền nông thôn". ĐB Nhân còn cho rằng TP HCM vốn phải gánh vác vai trò, là động lực, là đầu tàu quan trọng của cả nước mà các cấp lãnh đạo TP vẫn luôn trăn trở nhiều năm qua. Chính họ, chứ không ai khác, hiểu rõ những bất cập của chiếc áo thể chế chật chội đang khoác trên thể trạng của TP hiện nay.
ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh việc thực hiện mô hình mới với cách làm khoa học thì việc thực hiện ngay mô hình tổ chức CQĐT tại TP HCM sẽ thành công, sẽ làm điểm tựa để TP Cần Thơ nghiên cứu kinh nghiệm.
Tăng cường dân chủ trực tiếp
Thay mặt cho Chính phủ báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà các ĐBQH quan tâm về nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc thực hiện nghị quyết về tổ chức CQĐT tại TP HCM, không thực hiện thí điểm với cơ sở pháp lý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cho QH quyết định về vấn đề này.
"TP HCM đã có thời gian hơn 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn từ năm 2009 - 2016 và đã tổng kết việc thí điểm này. Thấy rằng việc không tổ chức HĐND quận, phường là có tính hiệu quả. Do đó, việc ban hành nghị quyết không thí điểm mà là tổ chức thực hiện luôn mô hình đô thị tại TP HCM... Nếu mô hình tổ chức CQĐT tại TP HCM trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh thì chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị QH điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề bình thường" - Bộ trưởng Nội vụ nói.
Về đề nghị có tăng số lượng ĐB của HĐND, đặc biệt là số lượng ĐB hoạt động chuyên trách của TP HCM lên không? Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết trong dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình có nêu 2 phương án, một là vẫn giữ theo như Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phương án nữa là tăng ĐB chuyên trách của TP. "Qua thảo luận thì phần lớn các ĐB đề nghị tăng số lượng chuyên trách, cơ quan trình mong muốn QH ủng hộ phương án tăng ĐB chuyên trách cho TP HCM" - ông Lê Vĩnh Tân trình bày. Về vấn đề TP trực thuộc TP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ QH về Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Do đó, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP Thủ Đức, tức là TP trực thuộc TP. Đây là chúng ta làm luôn chứ không thí điểm TP Thủ Đức, vì trong luật đã quy định cho phép.
Về ý kiến đề nghị, xem vấn đề thực hiện dân chủ nếu không có HĐND, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng trong dự thảo nghị quyết đã nói rất rõ, tức là dù không có HĐND nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND quận và phường đã được chuyển giao cho HĐND TP. "Bên cạnh đó, chịu sự giám sát của QH, của Đoàn ĐBQH, của ĐBQH, HĐND TP" - ông nói. Bộ Nội vụ sẽ trình với Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức CQĐT cho TP HCM để có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2021.
Hôm nay (13-11), QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) và thông qua các luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021…
Phê chuẩn bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Thống đốc NHNN
Cũng trong ngày 12-11, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Huỳnh Thành Đạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. QH cũng đã bỏ phiếu kín, thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao đối với các ông: Trần Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH; Phạm Quốc Hưng, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình; Ngô Hồng Phúc, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Bình luận (0)