Ngày 12-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ việc ban hành Nghị quyết, đồng thời kiến nghị xem xét tăng ĐB Hội đồng nhân dân (HĐND) chuyên trách cho TP HCM để đảm bảo vai trò giám sát, thực hiện quyền đại diện cho nhân dân.
Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM) nêu rõ qua ý kiến của các ĐB tại phiên thảo luận trực tuyến cũng như buổi thảo luận hôm nay cho thấy sự ủng hộ khá cao việc ban hành Nghị quyết, đây là sự động viên với TP HCM.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong số ý kiến của các ĐB, có một số băn khoăn, kiến nghị so với với Đề án, Tờ trình của Chính phủ chưa được nêu, điều đó giúp cho TP HCM thấy các vấn đề cần được làm rõ để khi Nghị quyết được ban hành sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đây là thời điểm chín muồi để tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không phải qua thí điểm - Ảnh: Nguyễn Nam
"Có thể nói rằng, tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, là một vấn đề được lãnh đạo TP HCM, các tầng lớp nhân dân quan tâm nhiều năm nay. Đó cũng là một quá trình hoàn thiện để đến hôm nay TP HCM thấy chín muồi các điều kiện để Chính phủ trình ra Quốc hội ban hành Nghị quyết" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Vị ĐB TP HCM cho biết bà từng giữ cương vị Chủ tịch HĐND TP HCM trong thời kỳ thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là thời kỳ vừa có thuận lợi, vừa khó khăn, song ý chí chính trị đặt ra với HĐND TP nói riêng, Đảng bộ TP HCM nói chung là quyết tâm thực hiện thí điểm thành công. "Khó khăn thì khắc phục, vấn đề nào vướng mắc thì đề nghị được tháo gỡ" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, báo cáo về ưu điểm, thành công và một số hạn chế đã nêu rõ trong Tờ trình gửi đến các ĐB Quốc hội.
"Có thể thấy rằng, trong quá trình thực hiện thí điểm, HĐND TP phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân; có nhiều giải pháp, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo để vai trò đại diện của HĐND được nhân dân thừa nhận. Kết quả đã mang lại những tác động tích cực, những quyết định có ý chí của nhân dân TP, trí tuệ của HĐND để giúp cho kinh tế của TP tiếp tục phát triển"- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ.
Bên cạnh đó, vai trò của từng ĐB HĐND cũng được phát huy, không phải đến kỳ họp HĐND mới tổ chức tiếp xúc cử tri mà tổ chức tiếp công dân hàng tuần tại địa bàn quận, huyện, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc trong công tác này.
"Thậm chí, HĐND, ĐB HĐND tiếp xúc theo yêu cầu của cử tri, gặp gỡ tiếp xúc cử tri thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đối với các chính quyền. HĐND còn tổ chức các kênh đối thoại trực tiếp với nhân dân thông qua Đài truyền hình TP HCM, Đài tiếng nói TP HCM, mỗi tháng một kỳ để kết nối, giữ mối liên hệ với đồng báo cử tri" - ĐB Nguyễn Thị Quyết tâm cho hay.
Về một số hạn chế sau quá trình thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở TP HCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết hoạt động giám sát chưa được như mong muốn, dù vẫn cố gắng giám sát nhưng độ phủ, kết quả thực hiện giám sát, tái giám sát chưa hài lòng. Nếu sắp tới tổ chức lại theo Nghị quyết của Quốc hội thì sẽ tăng cường hơn hoạt động giám sát để thực hiện tốt hơn yêu cầu của người dân về hoạt động này.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, thời gian thí điểm là một thực tiễn rất sinh động để chứng minh rằng đây là thời kỳ chín muồi để TP HCM xin Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị tại TP mà không nhất thiết phải qua thí điểm.
Trong phần thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng kiến nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng ĐB HĐND chuyên trách của TP để tạo thuận lợi hơn, tăng năng lực, hiệu quả cho các hoạt động quyết định, hoạt động giám sát thời gian tới.
"Tăng số lượng như thế nào, phương án tối ưu mà tôi đã đeo đuổi từ trước là cho TP có 19 ĐB chuyên trách, trong đó có 1 Chủ tịch HĐND, 2 Phó chủ tịch HĐND, các ĐB chuyên trách còn lại là Trưởng ban, Phó trưởng ban để đủ quyền đại diện ít nhất 1 đơn vị hành chính ở TP HCM có 1 ĐB chuyên trách theo dõi. Còn nếu không được như vậy, thì QH cho TP giữ 16 ĐB chuyên trách như hiện nay, nhưng tôi nghĩ 19 sẽ tốt hơn"- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị xem xét lại cơ cấu HĐND, số lượng ĐB chuyên trách để có thể bao quát hết được công việc của TP HCM, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tiếp xúc cử tri.
Bình luận (0)