Sáng 23-11, tại tỉnh Vĩnh Long, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022). Buổi lễ là sự tưởng nhớ và tri ân một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trọn đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cống hiến đến cuối đời
Tham dự lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân. Phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng vào việc động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đổi mới là sáng tạo, là biết khai thác, phát huy thế mạnh của đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam; là vượt qua những tư duy cũ kỹ, lạc hậu và phong cách lãnh đạo quan liêu để hoàn thành thắng lợi mục tiêu cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các đại biểu tại lễ kỷ niệm Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn tâm niệm điều kiện tiên quyết của người lãnh đạo chân chính là phải biết nghe những ý kiến nói thẳng, nói thật và có tinh thần xây dựng. Chỉ có như vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi vận dụng vào thực tiễn sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân, bởi khi đó ý Đảng hợp với lòng dân. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, vẫn là công việc liên quan tới Tổ quốc và nhân dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn lặn lội đi khảo sát vùng ĐBSCL, có kế hoạch sang Hà Lan học hỏi kinh nghiệm chống nước biển dâng khi khí hậu Trái đất nóng lên để áp dụng vào thực tiễn nước nhà. "Tấm gương cống hiến và hy sinh hết mình cho đất nước, cho nhân dân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mãi được ghi nhớ trong tâm khảm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Noi gương cho thế hệ sau
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM - rất xúc động khi kể về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Năm 1963, tôi có dịp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Sau giải phóng, với cương vị là Bí thư Thành ủy TP HCM, còn tôi là Bí thư Thành Đoàn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc về tài năng, phẩm chất, nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản trong giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước".
Với tư duy năng động, sáng tạo, tác phong làm việc sâu sát, luôn tìm tòi, đổi mới, Bí thư Thành ủy TP HCM lúc ấy đã cùng với lãnh đạo thành phố đưa ra những chủ trương đúng đắn, quyết sách chỉ đạo hiệu quả, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh - trật tự... từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa TP HCM dần đi vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thực hiện lời nhắn nhủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Vinh dự thuộc về những người tuổi trẻ sớm nhận ra mình, dám lên đường, thắng mọi khó khăn gian khổ, cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc", Phó Bí thư Đoàn Công an tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Ngọc Diễm thay mặt cho thế hệ trẻ ngày nay nguyện quyết tâm học tập, noi gương Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các bậc tiền nhân để trở thành những công dân có ích, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ khi nhớ về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta nguyện học tập và làm theo phong cách, đạo đức của ông, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ dân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắn nhủ trong giai đoạn cách mạng mới, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp dân dân, nhất là thế hệ trẻ, hãy ra sức học tập, noi gương Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các vị cách mạng tiền bối.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã tiếp thu và lĩnh hội những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ học tập và noi theo tấm gương đạo đức của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Qua đó, tăng cường đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội; gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước; quyết tâm xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, văn minh" - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động kỷ niệm
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia các địa điểm lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (gồm Khu Lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Di tích đình Bình Phụng, Nhà trưng bày "vườn ông Sáu Dân"); khánh thành Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (huyện Vũng Liêm) với kinh phí 162 tỉ đồng; khánh thành cầu Cái Cam 2 (TP Vĩnh Long); trao học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn...
Bình luận (0)