Theo ghi nhận tại hiện trường, rất nhiều ôtô quay đầu xe thuận lợi mà không cần qua trạm để rồi phải tốn phí 2 lần nên ai cũng tỏ ra vui mừng. Ông Dũng (65 tuổi, nhà gần trạm BOT Trảng Bom) nói ngoài tiết kiệm được chi phí qua trạm, khách hàng của ông còn tiết kiệm được thời gian nên ông hy vọng cửa hàng của ông sẽ sớm đông khách trở lại như trước khi có trạm BOT Trảng Bom. "Mong rằng kinh tế của gia đình tôi sẽ khởi sắc lại, hết cảnh buôn bán "cầm cự, chờ phá sản" như trước đây" - ông Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, ông Lê Thuận (50 tuổi, tài xế xe tải thường xuyên qua khu vực trạm BOT Trảng Bom) nói vô cùng ám ảnh mỗi khi "dính" ùn ứ ở trạm này khi mua vé qua trạm để quay đầu xe. "Giờ thì khỏe rồi, cảm ơn báo chí nhiều lắm" - ông Thuận trải lòng.
Dải phân cách phía Đông trạm BOT Trảng Bom mở, nhiều tài xế quay đầu xe trước trạm không phải mất thêm tiền vé, tiết kiệm thời gian
Có mặt tại hiện trường, tuy vui nhưng ông Trần Đức Bài (50 tuổi; ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) lại bình luận vụ việc nhanh chóng dỡ bỏ dải phân cách sau khi Báo Người Lao Động lên tiếng với nội dung: "Việc dỡ dải phân cách cứng chỉ làm "nhoáng" là xong mà nhà đầu tư trạm BOT Trảng Bom lại "xin" đến chục ngày", một lần nữa thể hiện sự "câu giờ" của nhà đầu tư BOT, nếu báo chí không lên tiếng.
Cụ thể, theo ông Bài, từ ngày 1-3 đến sáng 3-3, việc dỡ dải phân cách được nhà đầu tư trạm BOT Trảng Bom làm mỗi ngày vài giờ rồi nghỉ. Riêng ngày 4-3 không thấy nhân viên nào của trạm tham gia dỡ dải phân cách. "Mấy ngày này, họ chỉ làm vạch kẻ đường, chôn cột, biển báo. Trong khi tôi tính tất cả công việc trên cùng với dỡ dải phân cách chỉ cần 2 ngày là xong, chứ không thể làm gần 10 ngày (từ 1-3 tới trước 10-3) như báo cáo của nhà đầu tư trạm BOT Trảng Bom lên cơ quan chức năng. Để rồi lúc 8 giờ 40 phút ngày 5-3, khi Báo Người Lao Động đăng thông tin và đặt tựa đề "Cố tình kéo dài thời gian?" thì đến sáng 6-3 mọi thứ đã được giải quyết xong. Vậy thử hỏi sao người dân không nghi ngờ có chuyện câu giờ" - ông Bài phân tích.
Bình luận (0)