Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Bài (50 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) - nhân vật trong bài viết "Tiếng kêu cứu bên trạm BOT Trảng Bom" (đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 22-2). Theo ông Bài, sau khi báo chí lên tiếng, Cục Quản lý Đường bộ 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã quyết định dỡ dải phân cách cứng, người dân ai cũng cảm ơn báo chí. Thế nhưng...
Phải làm sáng tỏ vụ việc
Trưa 28-2, đưa tay chỉ chiếc xe tải chuyên duy tu đường bộ của Công ty Cường Thuận IDICO đang kẻ vạch sơn gần trạm BOT Trảng Bom để người dân đi bộ qua đường sắp tới, ông Tài xúc động nói lẽ ra thấy cảnh này ông phải vui nhưng thực tế niềm vui của ông không trọn vẹn khi sự việc phóng viên Báo Người Lao Động sau khi lấy ý kiến bức xúc của ông và bà con về dải phân cách thì bất ngờ bị hành hung. "Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm sáng tỏ vụ việc để niềm vui của chúng tôi được trọn vẹn..." - ông Tài nói.
Các bên liên quan đang kẻ vạch sơn để chuẩn bị cho việc dỡ dải phân cách cứng phía Đông trạm BOT Trảng Bom. Ảnh: UYÊN CHÂU
Nhìn các nhân viên đang làm các bước để mở dải phân cách cứng phía Đông trạm BOT Trảng Bom, ông Phạm Thế Tuyên (SN 1970) nói đây là hình ảnh người dân mong chờ từ 8 năm qua nên ai cũng thấy vui. Thế nhưng, cũng như ông Bài, ông Tuyên cho rằng nhờ báo chí lên tiếng mà các hộ dân xung quanh trạm BOT mới có được ngày này. Do đó, ông đề nghị Công an huyện Trảng Bom nhanh chóng làm rõ 2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên khi đang tác nghiệp gần trạm BOT Trảng Bom. "Sự việc rõ ràng thì bà con chúng tôi mới không cảm thấy áy náy với anh em báo chí, nhất là phóng viên bị hành hung sau khi lên tiếng kêu cứu cho chúng tôi" - ông Tuyên mong muốn. Ông nói với những hình ảnh về 2 đối tượng rõ nét như vậy cùng với số điện thoại của các đối tượng do người dân cung cấp, phía công an hoàn toàn sớm làm rõ được thủ phạm, động cơ mục đích đánh phóng viên.
Ông T. - người đã gửi thông tin và 2 số điện thoại của người nhận là đánh phóng viên Báo Người Lao Động cho công an, cho hay bản thân ông cảm thấy rất khó hiểu khi đến bây giờ 2 đối tượng hành hung phóng viên vẫn "bóng chim tăm cá".
Ông Trần Công An - Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom - nói ông rất mừng vì Cục Quản lý đường bộ 4 đã quyết định dỡ dải phân cách cứng sau những phản ánh của báo chí. Theo ông An, đây là điều mà người dân xung quanh trạm BOT và chính quyền xã chờ đợi, kiến nghị nhiều năm nay để bảo đảm cuộc sống của người dân. "Ngay sau khi xảy ra vụ việc phóng viên Báo Người Lao Động bị 2 đối tượng hành hung, truy đuổi gần trạm BOT Trảng Bom, tôi đã đề nghị công an điều tra xử lý nghiêm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm sức khỏe, quyền tác nghiệp của phóng viên theo đúng luật định" - ông Trần Công An nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lên tiếng
Liên quan việc điều tra làm rõ 2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công an huyện Trảng Bom cho hay bước đầu công an huyện đã báo toàn bộ sự việc lên Công an tỉnh Đồng Nai dựa trên đơn trình báo, tố giác của phóng viên Nguyễn Văn Tuấn, Báo Người Lao Động.
Theo Công an huyện Trảng Bom, từ manh mối phóng viên cung cấp gồm hình ảnh, số điện thoại, Facebook, giữa tuần qua phía công an huyện đã gửi văn bản ra Công an huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên nhờ hỗ trợ. "Đối tượng hành hung phóng viên không chỉ có 1 địa chỉ mà có tới 3-4 địa chỉ cần xác minh, phía công an huyện cũng đã gửi hết văn bản nhờ công an các địa phương giúp đỡ. Ngoài ra, công an huyện còn sử dụng những kênh kết nối khác để làm nhanh, rõ vụ việc phóng viên bị hành hung" - đại diện lãnh đạo Công an huyện Trảng Bom thông tin và nhấn mạnh: "Phía công an huyện đang khẩn trương điều tra, chắc chắn sẽ làm rõ 2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên và sẽ cung cấp thông tin cho Báo Người Lao Động".
Người điều khiển xe máy (ảnh phải) là đối tượng cầm cây gỗ đuổi đánh phóng viên Báo Người Lao Động. (Ảnh do người dân cung cấp)
Trong khi đó, ngày 28-2, thượng tá Nguyễn Khắc Thạnh, Trưởng Công an huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết đến giờ vẫn chưa nhận được công văn nào của Công an huyện Trảng Bom hay Công an tỉnh Đồng Nai. "Nếu có công văn, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh đúng theo chức năng của cơ quan điều tra" - thượng tá Thạnh khẳng định.
Trước những diễn biến trên, trưa 28-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết ông đã xem những nội dung mà báo chí đăng về việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung khi đang tác nghiệp gần trạm BOT Trảng Bom. "Việc vô cớ đánh người là sai trái. Phải điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, tôi còn biết dư luận cũng yêu cầu làm rõ xem ai đứng sau lưng vụ này. Vì vậy, đối với việc này không thể bao che hay giấu giếm; biết đâu chừng trong vụ nhỏ này còn có dấu hiệu của vụ to hơn nên cần phải làm kỹ càng" - ông Cao Tiến Dũng nói.
Tổng quan về trạm BOT Trảng Bom
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa (hay còn gọi là BOT Trảng Bom) được xây dựng để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đoạn tránh TP Biên Hòa dài 12 km và đoạn khoảng 10 km cải tạo thêm tuyến Quốc lộ 1, do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận thực hiện, khởi công vào cuối năm 2009 và bắt đầu thu phí từ tháng 7-2014, kế hoạch thu phí trong 12 năm.
Từ sau khi trạm BOT Trảng Bom xuất hiện cùng dải phân cách cứng bằng bê-tông kéo dài hơn 300 m khiến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của những hộ dân xung quanh bị thiệt hại đủ đường, bởi mỗi lần đi ôtô lên thị trấn Trảng Bom hay về Dầu Giây đều phải mua phí 2 lần khi qua trạm. Trước thực tế này, nhiều người cư ngụ các xã quanh trạm BOT đã liên tục kiến nghị các cấp chính quyền xem xét lại việc này. Từ cuối năm 2017, người dân 4 xã gồm Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và Hưng Thịnh được trạm BOT thông báo miễn phí 100% giá vé.
Tuy nhiên, theo các hộ dân bị ảnh hưởng, việc được miễn giá vé đối với gia đình họ cũng chẳng thể cứu được công việc kinh doanh ngày càng đi xuống, do dải phân cách cứng vẫn còn, khiến khách hàng của những hộ kinh doanh gần trạm BOT Trảng Bom nản lòng, không đến. Do đó các hộ dân liên tục kêu cứu với yêu cầu dỡ bỏ dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom.
Theo thông tin từ Cổng thông tin của Vụ Đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải), dự án BOT trên có tổng mức đầu tư 1.506,3 tỉ đồng gồm xây mới đường tránh TP Biên Hòa dài 12 km từ Km 1851+714 Quốc lộ 1 đến Km 5+000 Quốc lộ 51 (nay là đường Võ Nguyên Giáp) và tăng cường 10 km Quốc lộ 1 đoạn từ Km1841+000 đến Km1851+714. Nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận, góp 20% vốn tương đương gần 300 tỉ đồng. Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận được xác định thành lập đầu năm 2009 với vốn điều lệ 115 tỉ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO, Tổng Công ty Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam (IDICO)...
Năm 2016, Cường Thuận IDICO đạt doanh thu thu phí 293 tỉ đồng, trừ đi chi phí hoạt động 103 tỉ đồng, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận ròng 190 tỉ đồng từ trạm BOT Trảng Bom, tăng 31% so với năm 2015. Tổng cộng từ khi đi vào vận hành giữa năm 2014 cho đến cuối tháng 6-2017, trạm BOT Trảng Bom đã mang về 730 tỉ đồng doanh thu và gần 500 tỉ đồng lãi ròng. Như vậy, thời điểm đó dù chỉ mới triển khai thu phí 3 năm nhưng việc thu phí từ tuyến tránh TP Biên Hòa đã bù đắp khá lớn cho tổng mức đầu tư bỏ ra (1.500 tỉ đồng).
Bình luận (0)