Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), cho biết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt 11 dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dài 654 km, tổng kinh phí 118.716 tỉ đồng, đi qua 13 địa phương: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long. Trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Đấu thầu rộng rãi quốc tế
Theo ông Huy, việc lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án theo hình thức PPP là đấu thầu rộng rãi quốc tế, gồm 2 bước. Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình. Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam và dự kiến sẽ phát hành trong cuối tháng 4-2019.
Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung tối thiểu 50% điểm tối đa của nội dung đó.
Ông Huy cho biết kinh nghiệm từ các dự án PPP trước đây cho thấy năng lực tài chính có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. Do vậy, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm).
Năng lực tài chính và kinh nghiệm là 2 tiêu chí hàng đầu để lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP. Trong ảnh: Cao tốc Long Thành - Dầu Giây
Ưu tiên thu hút nguồn lực nước ngoài
Trước một số ý kiến cho rằng khi đấu thầu quốc tế, doanh nghiệp của một số nước từng có tiền sử chậm tiến độ, đội vốn tại các dự án giao thông có thể trúng thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng dư luận không nên quan ngại về việc đó vì điều quan trọng là đề ra các yêu cầu.
"Quan trọng là khi ra đầu bài, để bất kể nhà đầu tư nào trúng thầu thì chúng ta vẫn quản lý được và làm được. Hơn nữa, hợp đồng của chúng ta phải chặt chẽ và nghiêm chỉnh, chất lượng dự án tốt thì chẳng có ai kêu cả, đó mới là cái lớn" - ông Tăng chia sẻ.
Theo ông Tăng, trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (cách đây 6 năm), khi soạn thảo nội dung về đấu thầu đã định hướng việc lựa chọn nhà thầu trên nguyên tắc ưu tiên các nhà thầu trong nước. Riêng trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP thì phải ưu tiên đấu thầu quốc tế để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, trừ các trường hợp đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, ông Tăng cho rằng việc đấu thầu quốc tế để huy động vốn từ nước ngoài là phù hợp. "Trong cuộc đấu thầu này, nhà thầu Việt Nam trúng thầu, chúng ta rất mừng, còn nhà thầu Việt Nam không trúng cũng không quá lo lắng, vì điều quan trọng nhất là chúng ta lựa chọn được nhà đầu tư tốt" - ông Tăng phân tích.
Bình luận (0)