Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, sáng 30-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải, QH thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Chú trọng 3 đột phá
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Thực tế cho thấy giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên đã có dấu hiệu chững lại, thể hiện rõ nhất là giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng GDP của nước ta trung bình ở mức 7,29% nhưng giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 5,9%. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra những động lực tăng trưởng mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết về đột phá trong giai đoạn tới, có 3 nội dung chủ yếu: Thể chế, chuyển đổi số; khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo. Tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế Ảnh: TTXVN
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ông Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến các quan điểm: tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành; việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cũng đặt ra nhiều vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông, việc phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối, thiếu các trụ cột để tạo nên một sự phát triển tự chủ và bền vững, trong khi tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào FDI. Theo ông Cường, quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc là phải có tập đoàn kinh tế mạnh, để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà còn vươn ra làm chủ, thống lĩnh trên thế giới hoặc phải nắm được các yết hầu về kinh tế thế giới.
"Nói như thế để thấy rằng chúng ta rất cần thiết phải có các cơ chế đột phá để tạo lập ra các chỗ đứng, thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải là thực hiện các biện pháp thông thường" - ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Quan tâm đến nhân lực, nông nghiệp
Một số ĐBQH nhận định thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nêu vấn đề phát triển thị trường lao động, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cho rằng phải gắn với chuyển đổi số, tập trung phát triển tài nguyên con người, cốt lõi là lực lượng lao động. Những tác động của già hóa dân số đang đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần đổi mới mô hình đào tạo, hướng đào tạo nghề nghiệp, phát triển kinh tế, dịch vụ; nhanh chóng sử dụng lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng đến khi hết thời kỳ "dân số vàng".
Cùng quan điểm, ĐB Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cũng đề nghị cần phải quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nhân lực, đến kỹ năng nghề của người lao động để không chỉ đồng hành mà phải chủ động hơn với các thị trường khác thì kế hoạch cơ cấu nền kinh tế mới đạt được hiệu quả và thực chất.
Một vấn đề được các ĐB quan tâm là trong bối cảnh khó khăn thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), nhìn một cách tổng thể thì ngành nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do đó, cùng với thay đổi nhận thức của nông dân thì việc sắp xếp lại sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì phải liên kết những người nông dân. "Cơ cấu lại nông nghiệp thành công hay không cũng chính là ở chỗ này. Mô hình liên kết tốt nhất là hợp tác xã nhưng đây lại là khâu yếu nhất hiện nay, cần phải được nghiên cứu sửa đổi để thực hiện cho phù hợp" - ĐB Sáu góp ý.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Sau phiên thảo luận này, QH kết thúc đợt 1 (họp trực tuyến) của kỳ họp thứ 2. Đợt 2 họp theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), bắt đầu từ ngày 8 đến 13-11.
4 bộ trưởng trả lời chất vấn
Tại họp báo chiều 30-10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sau khi tổng hợp phiếu ý kiến ĐB, có 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp thứ 2, gồm: y tế, lao động, đầu tư, giáo dục. Ứng với các nhóm vấn đề này, các Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ trả lời chất vấn trong 2 ngày rưỡi, từ ngày 10-11 đến sáng 12-11.
Bình luận (0)