Con số 1.150 tỉ đồng (làm tròn) là mức giao dự toán trợ giá xe buýt tại TP HCM năm 2020.
Tuy nhiên, mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP vừa đề xuất bổ sung 161 tỉ đồng, tức nâng lên 1.311 tỉ đồng cho trợ giá xe buýt năm nay. Trong khi đó, tổng sản lượng khách theo kế hoạch năm 2020 được ước tính chỉ 147 triệu lượt khách, tiếp tục giảm so những năm trước.
Sản lượng giảm, trợ giá tăng
Năm 2012, lượng khách đi xe buýt tại TP HCM đạt trung bình 305 triệu lượt khách/năm. Với kế hoạch 147 triệu lượt khách năm 2020 nêu trên, tức sau 8 năm, khách đi xe buýt tại TP giảm tới 158 triệu lượt. Trong khi theo thống kê gần đây, từ ngày 11 đến 24-5, trên các tuyến xe buýt có trợ giá tại TP chỉ thực hiện được 169.335 chuyến, với 3,9 triệu lượt khách. Mức này so với cùng kỳ năm 2019 giảm 23% số chuyến và 39% lượng khách.
Trong phát triển hệ thống giao thông công cộng tại TP HCM, xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực
Diễn giải việc đề xuất bổ sung 161 tỉ đồng trợ giá năm 2020, theo Sở GTVT là do cập nhật lại toàn bộ hệ thống, đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19. Sau khi cập nhật thông số hoạt động thực tế trên từng tuyến xe với tổng cự ly hành trình đã tăng hơn 1,1 triệu km, kéo theo việc tăng thêm hơn 29,4 tỉ đồng. Trong khi với chi phí nhiên liệu thay đổi theo xu hướng giảm những tháng đầu năm, Sở GTVT cũng cập nhật lại và chi phí giảm hơn 78,5 tỉ đồng. Kế đến là việc cập nhật tổng doanh thu đặt hàng, đấu thầu trên các tuyến xe buýt có trợ giá năm 2020; phí dự phòng; hoạt động đưa rước học sinh cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thời gian thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến mức tăng 161 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, nếu dự toán ngân sách trợ giá năm 2020 vẫn 1.150 tỉ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11, hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1-7 đến 31-12 (trong đó phải ngưng một số tuyến). Sở GTVT nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến, tác động đến hoạt động của những tuyến xe buýt còn lại...
Việc xin bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt liên tục những năm gần đây được cho là bởi dự toán chi ngân sách trợ giá được giao hằng năm chỉ bằng 65%-70% so nhu cầu thực tế. Trước đó, năm 2018, kinh phí trợ giá được duyệt từ đầu cũng khoảng 1.000 tỉ đồng, tuy nhiên sau đó, nhiều xã viên ở các HTX xe buýt "không thể cầm cự", dẫn đến tình trạng nhiều tuyến xe ngừng chạy. Cuối năm 2018, TP chấp thuận bổ sung 123 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt để duy trì ổn định.
Trong khi năm 2019, mức trợ giá khoảng 1.000 tỉ đồng cũng bị xem là không đủ. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, nguyên nhân chính của việc xin bổ sung trợ giá năm 2019 là do cập nhật theo đơn giá định mức mới, áp dụng từ đầu tháng 9, dẫn đến các chi phí liên quan cũng phải được cập nhật theo.
Hướng nào tháo gỡ?
Một lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm những năm qua.
Đầu tiên phải kể đến sự phát triển nhanh của các loại xe ứng dụng công nghệ, đã cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, giá thành rẻ... Trong khi các loại hình này cũng liên tục có những chương trình ưu đãi cho khách, dẫn đến xu hướng sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Mặt khác, hiện vẫn còn khoảng 33% xe buýt là phương tiện cũ, chất lượng chưa cao, chưa kể thái độ phục vụ vẫn có những tồn tại.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng một nguyên nhân lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng thiếu, bố trí chưa hợp lý, không thuận lợi cho việc sắp xếp các tuyến xe buýt kết nối. Trong khi TP có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt.
Ngày 19-6, trao đổi với báo chí về vấn đề trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng vận tải hành khách công cộng phải được bao cấp, như việc trợ giá cho xe buýt hiện nay. Ông Hưng khẳng định năm 2020, mức trợ giá xe buýt 1.150 tỉ đồng là không đủ. Việc đề xuất xin thêm 161 tỉ đồng đã được Sở GTVT cân nhắc rất kỹ, gồm cả việc tránh trùng lắp các tuyến, chuyến xe, gây lãng phí. Hiện ngành giao thông TP đang xây dựng đề án tính trợ giá xe buýt tiết kiệm và đúng quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả việc quản lý cũng như từ đơn vị khai thác tuyến.
Đặc biệt, theo ông Hưng, chính quyền TP vừa phê duyệt quy chế phối hợp trong công tác quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng. Theo đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hiện trực thuộc Sở GTVT nhưng tương lai có thể trực tiếp trực thuộc UBND TP để quản lý nguồn vốn phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng, bao gồm cả hệ thống xe buýt hay metro sau này.
Thêm 3 tuyến xe buýt ngưng hoạt động
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết từ ngày 1-7, các tuyến xe buýt số 2, 11 và 144 sẽ ngừng khai thác. Đây là các tuyến có trợ giá, lộ trình kết nối giữa các khu vực như Bến xe Miền Tây tới Bến Thành, Đầm Sen, cùng nhiều khu chợ, trường học... Giữa tháng 5, Sở GTVT mới chuyển đổi 2 tuyến xe buýt số 13 và 94 từ loại hình có trợ giá sang không trợ giá. Như vậy, tại TP hiện chỉ còn 91 tuyến xe buýt có trợ giá.
Từ cuối năm 2018 đến nay, TP có tới 10 tuyến xe buýt có trợ giá ngưng hoạt động, nguyên nhân chính do tình hình sản lượng đi xe buýt tụt dốc, thu không đủ bù chi.
Bình luận (0)