Ngày 23-12, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM phối hợp UBND quận Tân Bình tổ chức hội thảo "Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị các địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất".
Nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cho biết hội thảo là một trong những nỗ lực để tìm ra các giải pháp mới trong quy hoạch phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau đại dịch Covid-19, hướng đến phát triển đô thị bền vững trong tương lai. "Quận Tân Bình có vị trí cửa ngõ ở phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Quá trình vận hành và phát triển sân bay đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển đô thị quận Tân Bình. Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp về quy hoạch phát triển phù hợp đô thị trên địa bàn quận Tân Bình nhằm phù hợp với quy hoạch phát triển sân bay là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay" - ông Thành nói và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.
Phát triển mô hình “khu đô thị sân bay” là cơ hội để tạo ra một điểm đến mới hấp dẫn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiếp lời, hầu hết các chuyên gia cho rằng mô hình đô thị sân bay đang được nghiên cứu áp dụng trong xây dựng và cải tạo các sân bay quốc tế có quy mô lớn. Cách tiếp cận về quy hoạch là lấy sân bay làm trung tâm, từ đó tạo động lực phát triển các khu vực đô thị xung quanh. Mô hình đô thị sân bay mở ra không gian kinh tế cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nhân khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu vực quanh sân bay và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân xung quanh khu vực đó. "Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố và hình thành sẵn các công trình thương mại - dịch vụ phục vụ hành khách đi sân bay. Đây là thuận lợi lớn nhất để phát triển mô hình đô thị sân bay" - TS Hoàng Ngọc Lan (Trường ĐH Kiến trúc TP HCM) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Lan cũng chỉ ra nhiều thách thức đó là nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù Tân Sơn Nhất và nguồn lực để hiện thực hóa mô hình này. Đặc biệt là thách thức liên quan việc kết nối giao thông với khu trung tâm hiện còn khá hạn chế và quỹ đất quanh sân bay hiện khá hạn hẹp. Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam còn thẳng thắn chỉ ra thêm khó khăn. Đó là xưa nay, Tân Sơn Nhất không phát triển theo mô hình đô thị sân bay. "Hôm nay chúng ta bàn việc đó, trong điều kiện thực tế là quỹ đất quanh sân bay không còn nhiều. Nhưng đây là chuyện đáng bàn, đáng làm dù có nhiều thách thức cần phải vượt qua" - TS Lương Hoài Nam bày tỏ.
Đột phá từ đâu?
Nêu giải pháp để có thể xây dựng mô hình đô thị sân bay, TS Lương Hoài Nam cho rằng khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (xây dựng nhà ga T3 - NV), thành phố nên xem xét kết hợp quy hoạch phát triển trong và ngoài sân bay, đồng thời tăng kết nối trung tâm thành phố với sân bay để tạo sự cộng hưởng tối đa cho sự phát triển. Cụ thể, nhanh chóng triển khai xây dựng đường cao tốc trên cao số 1, 2 để kết nối sân bay với trung tâm thành phố và khu vực khác. Ngoài ra, cần mở rộng đường Thân Nhân Trung để kết nối đường Cộng Hòa với đường mới (đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa) dẫn vào nhà ga T3. "Đặc biệt, tận dụng tối đa quỹ đất 2 bên đường mới để phát triển thương mại - dịch vụ, logistics" - TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
TS Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP HCM, cho rằng với quỹ đất hạn chế thì cần khai thác không gian ngầm. "Các nước trên thế giới khai thác không gian ngầm bằng việc xây dựng giao thông kết nối xuyên khu vực sân bay, hạ tầng dưới sân bay để phát triển thương mại - dịch vụ. Hành lang giao thông sân bay gắn với nhà hàng, cửa hàng mua sắm sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác hành khách quốc tế có tiềm lực tài chính" - TS Trần Anh Tuấn đề xuất giải pháp. Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhấn mạnh thành phố cần khai thác thêm không gian ngầm ở Công viên Hoàng Văn Thụ - nơi có diện tích hơn 10 ha.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, ThS-KTS Đỗ Nguyên Phong, Viện Quy hoạch xây dựng, cho rằng chiến lược phát triển quận Tân Bình gắn với đô thị sân bay Tân Sơn Nhất nên được nhìn trong tổng thể quy hoạch TP HCM, vùng TP HCM và miền Nam, phải xây dựng trên tiềm năng lợi thế đặc biệt của quận và có chiến lược cụ thể. "Trong giai đoạn trước mắt, việc điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu một số khu vực, tuyến đường là một trong những giải pháp hữu hiệu nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu chiến lược tổng thể toàn quận và các mục tiêu cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận Tân Bình gắn với đầu mối giao thông quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" - ông Phong góp ý.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Bá Thành cảm ơn và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. "Quận sẽ phối hợp với Sở QH-KT để xem xét lại quy hoạch của quận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố nhằm gắn kết với sân bay Tân Sơn Nhất để tạo nguồn lực phát triển thương mại - dịch vụ, mở ra không gian đô thị về đêm, ngày cuối tuần" - Chủ tịch UBND quận Tân Bình mong muốn.
Xem xét điều chỉnh quy hoạch
Giám đốc Sở QH-KT TP HCM Nguyễn Thanh Nhã khẳng định sẽ giúp Tân Bình và các quận xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá lại điều kiện phát triển đô thị, chỉnh trang khu phố, khu vực gắn với động lực phát triển từ sân bay.
"Chúng tôi tiếp thu ý kiến chuyên gia về bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận sân bay như các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp. Theo đó, xem xét điều chỉnh quy hoạch cũng như gia tăng chỉ tiêu cho các khu vực để cải thiện bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, hoạt động logistics..." - ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay. Ông Nhã cho biết những kết quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp và đưa vào "bức tranh" điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM sắp tới và điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp.
Bình luận (0)