Phố Tây Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 từ lâu là điểm nóng về tình trạng loa kẹo kéo hoạt động gây ồn ào. Mỗi góc đường là một nhóm thay nhau biểu diễn ca hát kèm theo việc bán kẹo, bánh phục vụ khách.
Mật phục "bắt" tiếng ồn
Những ngày qua, UBND phường Phạm Ngũ Lão tăng cường kiểm tra, xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm và gặp không ít khó khăn. Đơn cử, tối 20-3, ở đoạn giữa đường Bùi Viện, một nhóm bán kẹo kéo bật loa vừa hát vừa nhảy phục vụ khách ăn uống. Tổ công tác UBND phường rời trụ sở đến xử lý nhưng có nhóm người lập tức báo hiệu trước. Hàng quán kinh doanh lẫn người hát loa thùng lập tức tắt nhạc, di chuyển loa vào hẻm trong tích tắc nên tổ công tác không thể xử lý.
Từ phản ánh của người dân, cán bộ Đội Trật tự đô thị đến nhắc nhở một người hát kẹo kéo. Người này phân bua: "Em có nghe nói xử lý nghiêm nhưng hôm nay, em không mở máy to như mọi khi". Do không có chứng cứ nên lực lượng chức năng chỉ dừng ở mức nhắc nhở.
Người bán kẹo kéo sử dụng loa thùng hát tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TP HCM
Cuối cùng, tổ công tác quyết định chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu cho xe di chuyển tuần tra nhằm đánh lạc hướng; nhóm còn lại đi sau để ghi hình, bắt tại trận. Kết quả là hàng loạt trường hợp bị lập biên bản.
"Nhiều quán ăn đứng ra giúp những người kinh doanh kẹo kéo bằng cách cản trở lực lượng chức năng vào trong nhà lấy loa thùng. Vì vậy, chúng tôi phải canh và "mật phục" mới có thể xử lý được" - một cán bộ UBND phường Phạm Ngũ Lão nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tâm, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, mỗi năm, địa phương phải tạm giữ và xử phạt hệ thống dàn nhạc DJ, loa kẹo kéo lên đến hàng trăm thiết bị. Do những chiếc loa di động giá rẻ hơn mức xử phạt nên gần như 50% người vi phạm bỏ tang vật. Trụ sở phường nhỏ nên việc lưu kho trở nên quá tải, lực lượng chức năng phải trưng dụng cả phòng làm việc lẫn phòng lưu trữ hồ sơ để làm nơi chứa đồ. Thậm chí, xung quanh bàn làm việc của lãnh đạo phường cũng vây kín loa thùng.
Hiện nay, UBND phường Phạm Ngũ Lão phối hợp với người dân hỗ trợ việc ghi hình, công khai số điện thoại liên lạc nhằm cung cấp thông tin và chứng cứ để xử lý trường hợp mở loa kẹo kéo gây ồn ào.
"Như vào cuộc chiến"
Đường Phạm Văn Đồng được mệnh danh là "con đường bia bọt". Khách ăn nhậu nhiều, người bán kẹo kéo lại tìm đến hát để bán kẹo. Một lãnh đạo UBND phường 1, quận Gò Vấp thốt lên: "Tối đến, chúng tôi như vào cuộc chiến. Sau 22 giờ thì càng căng thẳng hơn".
Theo vị này, sau giờ hành chính trở về nhà, ông vẫn phải mặc quần áo chỉnh tề, luôn trong tư thế kịp thời phản ứng do địa bàn luôn "nóng" về ô nhiễm tiếng ồn. "Tổ công tác thường xuyên tuần tra xử lý nhưng lực lượng mỏng, không thể bao quát hết nên xảy ra tình trạng kiểm tra đoạn này thì đoạn khác lại gây ồn. Hơn nữa, anh em cả ngày đi làm, buổi tối tuần tra nên có khi đuối sức" - ông phân trần.
Thực tế, không ít chủ quán và khách có thói quen mở nhạc thật to, khuyến khích người bán kẹo kéo đến phục vụ nhằm thu hút người đi đường và khuấy động không khí trong quán. Từ nay đến hết tháng 6-2021, UBND phường 1, quận Gò Vấp sẽ đề nghị chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết, nếu để xảy ra vi phạm tiếng ồn sẽ xử phạt chủ quán, qua đó loại bỏ tiếng ồn về đêm ở các địa điểm ăn uống.
Trong khi đó, quận Bình Thạnh những ngày qua liên tục phát thông báo khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" để phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn từ các quán ăn, nhà hàng. Ông Tạ Thanh Khiêm, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, cho biết ứng dụng này lẫn tổng đài đường dây nóng 1022 đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Khi có phản ánh, cán bộ phải có mặt xử lý lập tức. Cơ quan chức năng khuyến khích người dân ghi hình, chụp ảnh làm cơ sở để lực lượng chức năng lập biên bản.
Vừa qua, một người dân phản ánh lúc 22 giờ 55 phút vẫn còn quán cà phê trên đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 24 mở nhạc to. Kèm theo đó là hình ảnh người dân cung cấp về việc sử dụng thiết bị đo tiếng ồn cho thấy mức âm thanh quá cao. Lập tức, UBND phường 24 đến lập biên bản và tình trạng này được khắc phục. "Chúng tôi kêu gọi người dân phản ánh qua đường dây nóng và ứng dụng trực tuyến để giảm bớt áp lực của lực lượng chức năng" - ông Tạ Thanh Khiêm nhấn mạnh.
Trong khi đó, quận Bình Tân vừa chỉ đạo chung cho lực lượng liên ngành cấp phường xử lý nghiêm về ô nhiễm tiếng ồn. Quận giao từng tuyến đường cho từng cán bộ phụ trách, trong đó có sự phối hợp với công an khu vực. Đối với cơ sở kinh doanh thường xuyên mở loa lớn, sau khi nhắc nhở không được thì sẽ tìm cách kiểm tra giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm…, từ đó thay đổi dần nhận thức của chủ cơ sở.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều cá nhân vi phạm với mức tiền 200.000 đồng. Qua các phương tiện truyền thông, người dân đã bắt đầu thay đổi nhận thức và tình trạng hát karaoke gây ồn ào đã giảm hẳn. Đến nay, quận đã hình thành đội lưu động để sắp tới tuần tra, xử lý về đêm và tăng cường vào các ngày cuối tuần.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, tổ công tác TP Thủ Đức đã đến các nhà hàng, quán ăn... tuyên truyền người dân kinh doanh không gây tiếng ồn. Một số trường hợp bị phản ánh, cán bộ đã mời lên làm việc và yêu cầu cam kết không tái phạm. Một số phường gắn nhiệm vụ nhắc nhở, xử lý tiếng ồn vào chỉ tiêu thi đua của công an khu vực.
Tại phường Linh Trung, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường, cho biết đa số chủ quán ăn đều chấp hành, chưa ghi nhận trường hợp nào bị phản ánh. Chỉ có các quán ăn, karaoke trên đường Phạm Văn Đồng kinh doanh có mở nhạc lớn nhưng cán bộ phường đã đến nhắc nhở, yêu cầu không tái phạm.
S.Hưng
Bình luận (0)