Sáng 16-7, tại TP HCM, UBND TP và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức sơ kết chương trình hợp tác phát triển TT-TT giai đoạn 2019-2020. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM...
Sẽ thử nghiệm mạng 5G vào tháng 9-2019
Tóm tắt kết quả chương trình hợp tác giữa Bộ TT-TT và TP HCM, Giám đốc Sở TT-TT TP Dương Anh Đức cho biết Sở TT-TT TP và Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT-TT) đã rà soát, xử lý mã độc hệ thống công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị trên địa bàn TP. Qua đó, hơn 510 máy tính có nhiễm mã độc đã được bóc gỡ mã độc. Cùng đó là việc hợp tác đào tạo, phát triển mã nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng.
Đặc biệt, UBND TP HCM đã giao Sở TT-TT triển khai thử nghiệm dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ 5 (5G). Dự kiến trong tháng 9-2019, Chi nhánh Viettel TP HCM thử nghiệm 5G (10 vị trí) tại quận 10; Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Nam triển khai thử nghiệm 5G (12 vị trí) tại quận 1 và một phần khu đô thị mới tại quận 7... Theo ông Dương Anh Đức, nhiều công việc được hai bên phối hợp triển khai trong 6 tháng đầu năm và đạt được một số kết quả ban đầu. Trong thời gian tới, TP kiến nghị Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với TP HCM ban hành chương trình thử nghiệm sản phẩm mới trong giai đoạn 2019-2020 tại Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung. Danh mục các sản phẩm thuộc lĩnh vực máy bay không người lái, xe không người lái, xử lý rác hữu cơ, trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra đánh giá sức khỏe, kiểm soát giao thông thông minh...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (giữa) và Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự hội nghị
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ông Dương Anh Đức khẳng định lãnh đạo TP đánh giá trí tuệ nhân tạo là yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng TP HCM nhanh chóng trở thành đô thị thông minh. Trí tuệ nhân tạo đã được TP triển khai phục vụ quản lý, điều khiển tự động hóa vào lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục... Một số ứng dụng phổ biến là camera điều khiển nhận dạng khuôn mặt, giám sát quản lý đối tượng; ứng dụng smart home cho các tòa nhà, cao ốc văn phòng;...
Để thực hiện tầm nhìn chương trình "Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2020-2025", ông Dương Anh Đức đề xuất cần tập trung nguồn lực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai; phấn đấu đến năm 2025, TP HCM là trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng đô thị thông minh gồm 5 cấu phần
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP muốn phát triển được phải vừa bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể cần có phối hợp với Bộ TT-TT về công nghệ TT-TT. TP đang xây dựng đô thị thông minh nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là về kinh tế, để người dân được cung cấp các dịch vụ trong xã hội tốt hơn; chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn vì người dân là một chủ thể tham gia quá trình quản lý. Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP đang tập trung xây dựng đô thị thông minh gồm 5 cấu phần, đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống dự báo và mô phỏng phát triển của TP, trung tâm điều hành, hệ thống trung tâm an toàn thông tin mạng và chính quyền điện tử hay chính quyền số. Từ đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Bộ TT-TT giúp TP dự báo công tác điều hành để không bị động trong tương lai.
Về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP nên đặt hàng với Bộ TT-TT và chọn doanh nghiệp để xây dựng chiến lược số hóa từ nay đến năm 2025. TP cần phối hợp cùng Bộ TT-TT lên danh mục các lĩnh vực có thể ưu tiên ứng dụng sớm trí tuệ nhân tạo giúp tăng năng suất lao động; từ đó có thể đặt hàng các doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định bộ ủng hộ chủ trương của TP, đặc biệt là dùng công nghệ. "Hôm nay, 2 đơn vị tổ chức sơ kết 6 tháng và sẽ ký hợp tác mới mở rộng và toàn diện. Bộ TT-TT đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản số hóa dữ liệu xong cho TP" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong muốn TP HCM tập trung phát triển để trở thành trung tâm logistics; đi đầu về phát triển viễn thông, trong đó có hạ tầng viễn thông. TP cần phát triển trở thành trung tâm khu vực phía Nam về phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực... Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TT-TT đặt hàng TP HCM phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trong đó duy trì mức độ 50% doanh nghiệp ICT của cả nước. Đối với các trung tâm nghiên cứu ICT và trường có năng lực nghiên cứu, TP phải có ít nhất 60% của cả nước.
Ưu tiên phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, toàn TP với 10 triệu dân không thể đi lên cùng một lúc mà phải chọn vùng trọng điểm để đầu tư. Theo đó, TP xác định khu vực trọng điểm cần ưu tiên chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. "Sắp tới, TP sẽ mời các bộ, ngành trung ương cùng góp ý triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo này" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ở một diễn biến khác, UBND TP HCM cũng vừa có văn bản gửi Bộ TT-TT kiến nghị hướng dẫn về quy hoạch và xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao nói chung và khu dân cư đô thị tương lai TP nói riêng, trong đó xem xét khả năng chọn ứng dụng công nghệ di động thế hệ 5G tại khu đô thị và khu dân cư này, tạo tiền đề cho phát triển ứng dụng rộng hơn ở phạm vi toàn khu đô thị sáng tạo, tương tác cao trong tương lai.
Khu dân cư đô thị tương lai dự kiến được thực hiện bằng các giải pháp sáng tạo ở 7 lĩnh vực: giao thông thông minh; năng lượng; môi trường; giáo dục và sức khỏe; quy hoạch khu dân cư, thiết kế các chung cư, căn hộ và nhà riêng lẻ hỗ trợ dành cho cuộc sống các gia đình đa thế hệ, cuộc sống của mỗi gia đình trong chu kỳ phát triển cuộc đời của con người (chưa có con, có con nhỏ, con lớn, con cái ở riêng, cha mẹ tuổi cao); sự tham gia của cộng đồng và dữ liệu dùng chung.
N.Phan - C.Trung
Bình luận (0)