Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định ban hành quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP HCM do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 18-6, nhiều ý kiến nói thẳng những tồn tại hiện nay trong quản lý trật tự lòng, lề đường cũng như giải pháp xây dựng và hoàn thiện đề án quản lý.
Muốn dùng, phải có giấy phép và trả phí
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết dự thảo mới bao gồm một số nội dung chính trong việc tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè, đặc biệt là những khu vực có công trình đang thi công, giao lộ đông người... Dự thảo đồng thời cũng nêu giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, đồng thời qua nhiều hình thức quản lý như xã hội hóa đầu tư, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng...
Tuy nhiên, ông Ngô Hải Đường cũng nói rõ nếu muốn sử dụng tạm một phần vỉa hè thì mọi hoạt động phải bảo đảm chiều rộng chừa lại tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Còn đối với những tuyến sử dụng tạm một phần lòng đường cũng phải chừa lại tối thiểu đủ bố trí 2 làn ôtô cho một chiều lưu thông... Đặc biệt, tất cả hoạt động sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè phải đóng phí cũng được quy định cụ thể, bao gồm cả việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền hay điểm giữ xe, trung chuyển vật liệu, phế thải cùng hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa... Tất cả những vấn đề này khi muốn hoạt động đều phải được cấp giấy phép.
Cho kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè ngoài việc phải có giấy phép và đóng phí thì phải bảo đảm không gian còn lại cho người đi bộ
Đánh giá một số nội dung ở dự thảo, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Trung tâm Tư vấn Khoa học và Công nghệ cầu đường cảng TP HCM, đặt vấn đề quy định dù ban hành nhưng quan trọng là việc tổ chức thực hiện, bởi suốt 12 năm qua, dù có quy định rõ ràng nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan, không mấy cải thiện. Do đó, việc ban hành quyết định mới cần nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương liên quan, trong đó việc tổ chức thực hiện thì phường, xã là nơi nắm sát nhất.
TS Trịnh Văn Chính, Trường ĐH GTVT TP HCM, cũng nêu: Cần quy định và ràng buộc trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, đồng thời cần phân cấp cụ thể và tránh các vấn đề không đồng bộ hiện nay. Ông Chính cũng đề xuất nên cấp phép cho người buôn bán hàng rong như quy hoạch lại các khu vực và thời gian hoạt động rõ ràng. Việc này sẽ giúp người buôn bán hàng rong yên tâm và có trách nhiệm hơn.
Phải chặn "bảo kê" vỉa hè
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, việc cho sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè dễ gây tình trạng cấp phép tràn lan, không hạn chế đối tượng, địa điểm hay khu vực đặc thù rõ ràng. Trong khi quy định hiện nay, không phải tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu cũng được cấp phép sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Do đó, ông Hậu cho rằng phải cụ thể vấn đề nêu trên và thu phí quản lý chặt chẽ, phân trách nhiệm rõ ràng, quyền hạn đến đâu.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong quản lý lòng đường, hè phố hiện nay thực tế có tình trạng cán bộ "bảo kê". Đa phần người vi phạm, lấn chiếm hè phố không được cấp phép và nhiều trường hợp chỉ cần chi trả "lệ phí ngoài" là mua được vị trí vỉa hè làm nơi kinh doanh, giữ xe... Vì vậy, cần siết chặt việc quản lý trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lạm quyền...
Đồng tình với ý kiến nêu trên, TS Trần Kiên, ĐHQG Hà Nội, cho rằng hiện tượng "bảo kê" vỉa hè vốn tồn tại nhiều năm nay, vì vậy phải có biện pháp xử lý thì mới hiệu quả trong quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè. "Để hạn chế tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm thì cần công khai, minh bạch trong quản lý và nên thường xuyên luân chuyển cán bộ, nhân viên..." - ông Kiên đề xuất.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho hay trong việc nghiên cứu xây dựng dự thảo, Sở GTVT đã tính toán kỹ nhằm phù hợp thực tế, đặc biệt là tính khả thi và giảm thiểu sự tác động đến người dân. Trong dự thảo này, ông Lâm khẳng định các bên đã khảo sát và lấy ý kiến từ những hộ dân đang sử dụng và có nhu cầu. Phần lớn ý kiến đồng thuận cũng như sẵn sàng trong việc chấp hành nếu quy định mới ban hành. Hầu hết các nội dung dự thảo đều theo hướng phân cấp cho quận, huyện quản lý. Chỉ riêng một số vấn đề như bố trí các bãi giữ xe máy, xe đạp miễn phí nhằm tăng khả năng tiếp cận trạm dừng xe buýt, Sở GTVT mới cùng các quận, huyện cấp phép. Dù vậy, trước nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao trách nhiệm và vai trò ở cấp phường - xã, ông Trần Quang Lâm khẳng định sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh hơn trong dự thảo. Đồng thời, lãnh đạo Sở GTVT cũng thông tin với một số vấn đề khác như hoạt động văn hóa, phố đi bộ, thi công công trình ngầm dưới lòng đường, vỉa hè... hiện đã có quy định riêng và không nằm trong phạm vi dự thảo.
"Trong dự thảo quyết định mới về quản lý, sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè chủ yếu khẳng định lại việc vỉa hè sẽ chỉ phục vụ chính cho người đi bộ, dù có thực hiện những chức năng khác hay không. Cụ thể như cho tổ chức các hoạt động ngoài chức năng giao thông, nếu phù hợp thì sắp tới Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP ban hành quy định về những tuyến đường nào được phép tổ chức" - ông Trần Quang Lâm khẳng định.
Còn lấn chiếm tràn lan
Ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường tại TP HCM, tình trạng lấn chiếm vỉa hè bùng phát trở lại sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng (qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp), 2 tuyến Trường Sa, Hoàng Sa (dọc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình), khu vực đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Tri Phương (quận 5, 10)..., nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm để mở hàng quán, nơi giữ xe.
Về vấn đề lấn chiếm vỉa hè hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, thẳng thắn nói ngay trên 157 tuyến đường được các địa phương cam kết với UBND TP, đăng ký là "đường mẫu" trong bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng thực tế hiện chỉ khoảng hơn 20% trong số này có chuyển biến.
Bình luận (0)