Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án BOT Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Theo tờ trình, Sở GTVT đề xuất đối tượng miễn thu giá sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT.
Cụ thể: xe cứu thương; xe cứu hỏa; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa; xe hộ đê; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng phục vụ an ninh; đoàn xe đưa tang; đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường; ôtô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé "Phí đường bộ toàn quốc" theo quy định của Bộ Tài chính về thu phí sử dụng đường bộ; xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.
Trạm BOT Xa lộ Hà Nội sắp thu phí trở lại (Ảnh: Tấn Thạnh)
Sở GTVT cũng đề xuất giảm giá 100% cho xe buýt theo tuyến cố định của TP HCM có lộ trình đi qua trạm.
Giảm 50% phí cho các loại ôtô dưới 12 chỗ, không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày trạm thu giá xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động) tại các vị trí thuộc mặt tiền đường của 2 đường song hành của trục Xa lộ Hà Nội thuộc quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Chủ sở hữu sử dụng các phương tiện này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) và có hồ sơ xác nhận của UBND quận về cư trú và của Sở GTVT về việc không sử dụng phương tiện để kinh doanh.
Theo đề xuất của Sở GTVT, mức giá tối đa từ 30.000 - 170.000 đồng/lượt, tùy theo loại xe. Mức giá vé tháng bằng 30 lần mức giá vé lượt. Mức giá vé quý bằng 3 lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10%.
Mức giá nêu trên là giá tối đa để Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM – CII (chủ đầu tư dự án) thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Để có cơ sở theo dõi, đánh giá đúng tỉ lệ tăng trưởng lưu lượng phương tiện, tăng trưởng doanh thu thực tế của Trạm Xa lộ Hà Nội, Công ty CII phải tiến hành rà soát, cập nhật số liệu phương tiện thực tế trong 2 năm thực hiện thu.
Trường hợp tỉ lệ tăng trưởng lưu lượng phương tiện thấp hơn hoặc cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tại phương án giá hiện nay thì báo cáo UBND TP xem xét lại mức giá áp dụng cho phù hợp, đảm bảo lợi ích người dân và tỉnh khả thi trong việc hoàn vốn cho toàn dự án.
Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội dài 15,7 km, từ cầu Sài Gòn đến tiếp giáp chân cầu Đồng Nai, khởi công tháng 4-2010 với tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỉ đồng. Mặt đường trục chính được mở rộng 24-41 m lên 34-48 m và xây mới hai đường song hành, mỗi bên rộng 12 m để giảm kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP.
Trước đó, ngày 31-12-2017, UBND TP tạm ngưng thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội khi chủ đầu tư đã thu đủ (hoàn vốn dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc 1.000 tỉ đồng), sớm hơn dự kiến một năm. Theo hợp đồng cũ, chủ đầu tư sẽ chuyển sang thu phí dự án mở rộng xa lộ ngay nhưng TP HCM cần xem xét, đánh giá lại.
Việc thu phí hoàn vốn cho dự án này dự kiến kéo dài 19 năm.
Bình luận (0)