Nga đang mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê 1 triệu ha đất canh tác của nước này với đối tượng khách hàng chính được nhắm đến là các công ty Trung Quốc.
Ngờ vực
Trong khi động thái này có thể xem như sự hào hiệp với Bắc Kinh giữa lúc nước này đang vật lộn với các nguồn cung đậu nành eo hẹp bởi chiến tranh thương mại với Mỹ. Giám đốc đầu tư của Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông (Nga) Valery Dubrovskiy hôm 14-8 nói rằng một số công ty Trung Quốc đã tỏ ra quan tâm tới đề xuất này.
"Chúng tôi hy vọng phần lớn đầu tư sẽ đến từ Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng 50% đầu tư tới từ Trung Quốc, 25% từ các nhà đầu tư trong nước và 25% còn lại từ các nước khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Dubrovskiy chỉ rõ.
Khẳng định thông báo nói trên nghĩa là toàn bộ 3 triệu ha đất nông nghiệp vùng Viễn Đông xa xôi của Nga nay đã sẵn sàng cho nông dân canh tác, ông Dubrovskiy nói thêm rằng vùng đất này phù hợp với chăn nuôi lấy sữa hoặc trồng trọt các loại cây như đậu nành, lúa mì và khoai tây.
Theo báo The South China Morning Post (Hồng Kông), trong khi bước đi nói trên phản ánh sự tăng cường hợp tác đáng kể giữa ngành thực phẩm Trung Quốc và vùng Viễn Đông những năm gần đây, giới quan sát tỏ ra hoài nghi chất lượng của vùng đất mà Nga đang mời gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Dmitri Rylko, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường nông nghiệp (Nga), phần lớn những mảnh đất màu mỡ ở vùng Viễn Đông đã có người mua hoặc thuê, trong lúc ngày càng nhiều công ty Trung Quốc ký hợp đồng thuê đất hoặc các thỏa thuận tạm thời khác.
"Những mảnh đất tốt nhất đã có chủ và được nông dân trong nước canh tác, bởi vậy nếu họ (nhà đầu tư Trung Quốc) muốn thuê thêm thì chỉ còn đất ở các vùng xa xôi và năng suất thấp" - ông Rylko giải thích.
Các công ty Trung Quốc có thể tận dụng đề xuất cho thuê 1 triệu ha đất của Nga để trồng đậu nành Ảnh: REUTERS
Trở ngại
Nhiều năm qua, Moscow đã nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông của nước này, trong đó có cả chính sách giao đất miễn phí cho người dân hồi năm 2016. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jiayi Zhou thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), hạ tầng cơ bản và giao thông tại đây vẫn chưa phát triển. "Đất đô thị (tại vùng Viễn Đông của Nga) vốn kết nối tốt hơn với thị trường, có thể hấp dẫn hơn với các nhà thầu nhưng hầu như không còn" - bà Zhou cho hay.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ cho đến giờ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau khi Bắc Kinh đánh thuế 25% vào đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, mặt hàng vốn là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất và chế biến thực phẩm ở Trung Quốc này đang rơi vào tình trạng chật vật. Do đó, đề xuất cho thuê những vùng đất lớn với giá mềm ở những vùng trồng đậu nành chính của Nga có thể hấp dẫn nông dân Trung Quốc.
Theo số liệu từ cơ quan nông nghiệp Rosselkhoznadzor của Nga, Bắc Kinh đã giảm đáng kể lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và mua của Nga số đậu nành nhiều kỷ lục - 850.000 tấn - trong giai đoạn từ giữa tháng 7-2017 đến cuối tháng 5-2018. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 800 triệu tấn đậu nành Trung Quốc nhập khẩu từ đầu năm 2018 đến giờ.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trước đó nói rằng nước này sẽ tăng cường trồng đậu nành để giải quyết mối đe dọa của tình trạng thiếu nguồn cung và sẽ tăng thêm 1 triệu ha đất cho cây trồng này trong 2 năm tới. Tuy nhiên, chất lượng đất trồng ở Nga không phải là trở ngại duy nhất đối với các nhà thầu Trung Quốc.
"Ở Viễn Đông tồn tại sự phản đối, nhất là từ cư dân địa phương, đối với các công ty Trung Quốc thuê đất sản xuất nông nghiệp. Họ lo ngại về dòng lao động ồ ạt của Trung Quốc trong lúc bất mãn với phương pháp canh tác nông nghiệp của người Trung Quốc, như dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón" - chuyên gia Zhang Xin tại Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) nhận định.
Ông Zhang nói thêm rằng quyết định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất có thể đến từ Moscow nhưng liệu nó có thể được triển khai suôn sẻ hay không còn phụ thuộc vào sự chấp nhận của cư dân vùng Viễn Đông.
Bình luận (0)