Ngày 6-8, HĐND TP HCM đã phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 8-2023 với chủ đề "Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM: Trách nhiệm - Hành động".
Yêu cầu về tính hiệu quả
Phát biểu mở đầu chương trình, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã rất nỗ lực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Tuy nhiên, theo bà, để việc triển khai các cơ chế, chính sách này có trọng tâm, trọng điểm, thật sự đi vào cuộc sống thì đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Trần Kim Yến bày tỏ băn khoăn rằng HĐND, UBND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 98 ra sao nhằm bảo đảm đúng quy trình, thủ tục cũng như thời gian lấy ý kiến phản biện xã hội, đánh giá tác động… để các chính sách đi vào cuộc sống.
Cử tri Nguyễn Minh Hùng - Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 2, quận Bình Thạnh - hỏi với các nội dung trong Nghị quyết 98, thành phố có tháo gỡ được hết những khó khăn, có giải quyết được các dự án treo mấy chục năm để người dân trong khu vực có cuộc sống tốt hơn hay không?
Cử tri Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ quận Tân Bình, đặt vấn đề TP HCM được vay với tổng mức dư nợ không quá 120% số thu ngân sách. Đây được xem là ưu thế để thành phố huy động nguồn lực. Khi huy động được nguồn này thì sử dụng sao để hiệu quả, có làm tăng bội chi ngân sách thành phố hay không?…
Tại chương trình, nhiều vấn đề quan trọng liên quan Nghị quyết 98 đã được giải đáp
Chủ động phối hợp
Trực tiếp giải đáp các thắc mắc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận việc Nghị quyết 98 được ban hành là thành công bước đầu. Thành công thật sự là phải tổ chức thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện Thành ủy TP HCM đã ban hành chỉ thị, HĐND thành phố ban hành nghị quyết khung và UBND thành phố đã có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết việc tổ chức bộ máy của địa phương này dự kiến tháng 9-2023 được xem xét thông qua. Tháng 8-2023, HĐND TP Thủ Đức sẽ thông qua việc thành lập Ban Đô thị để tăng cường chức năng giám sát công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đô thị.
Trong năm 2023, 28 nội dung thuộc thẩm quyền HĐND TP HCM sẽ được trình; 26 nội dung thuộc thẩm quyền UBND thành phố được quán triệt tới từng cơ quan. Ông Phan Văn Mãi thông tin UBND TP HCM chủ động phối hợp với HĐND thành phố và các đơn vị liên quan để mọi công việc được tiến hành đúng quy trình, bảo đảm chất lượng.
Về câu hỏi của cử tri "Nghị quyết 98 có giải quyết hết các vướng mắc không?", Chủ tịch UBND TP HCM phản hồi: Không có nghị quyết nào bao trùm tất cả giải pháp cho một địa phương, Nghị quyết 98 cũng vậy. TP HCM cũng như các địa phương khác đều phải vận hành theo các quy định của Hiến pháp, pháp luật. Khi hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ thì vẫn còn vướng mắc.
Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định Nghị quyết 98 giúp thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, tổ chức bộ máy...; đặc biệt là sẽ giải quyết được một số vấn đề của TP Thủ Đức.
"Từ khi thành lập đến nay, TP Thủ Đức gần như chưa có cơ chế đặc thù để hoạt động. Với Nghị quyết 98, TP Thủ Đức sẽ được thể chế hóa nhiều nội dung" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Bên cạnh đó, theo ông, một số dự án treo, chậm hàng chục năm, một số dự án còn nhiều trở ngại khác cũng sẽ được giải quyết nhờ Nghị quyết 98.
Sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới
Ở lĩnh vực tài chính, Nghị quyết 98 cho phép TP HCM vay với 120% số thu. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định nguyên tắc cơ bản là thành phố phải có nội dung chi, có dự án mới làm kế hoạch vay và vay theo tiến độ sử dụng, vay trên cơ sở cân đối nguồn lực và khả năng trả nợ. "Không phải vay rồi để đó, không dùng gì rồi đi đóng lãi" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Với chuyện cải cách hành chính cũng như nguồn nhân lực, ông Phan Văn Mãi cho biết rất quan trọng. TP HCM đã ban hành quy chế phối hợp giải quyết công việc giữa các sở - ngành, quận - huyện.
Qua thực hiện Nghị quyết 98, TP HCM tiếp tục xây dựng quy trình xử lý công việc nội bộ, quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết nhiệm vụ ở các khâu. Chắc chắn sẽ có sự tham gia của công nghệ để giám sát, minh bạch việc giải quyết công việc của các đơn vị.
Song song đó, TP HCM đang nghiên cứu xây dựng đề án nền công vụ thành phố, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiệu quả, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ. Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định cán bộ và tổ chức bộ máy có ý nghĩa quyết định đến sự thành công khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.
"Về chuẩn bị nhân sự thì vẫn phải là bộ máy hiện tại. Có thể thay đổi chút ít, giống như huấn luyện viên vẫn phải dùng những cầu thủ cũ, chỉ có thay đổi chiến lược, chiến thuật" - ông Phan Văn Mãi so sánh. Người đứng đầu chính quyền TP HCM đặc biệt nhấn mạnh đến tâm thế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Người dân hưởng lợi
Liên quan mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) mà TP HCM được phép làm thí điểm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm đánh giá mô hình này chỉ hiệu quả khi gắn đô thị với hạ tầng đường sắt đô thị và các trục giao thông chính, các phương tiện có sức chở lớn và đầu mối giao thông.
Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các địa phương rà soát các nút giao, nhà ga vùng phụ cận. Khi thực hiện mô hình này, giá trị đất sẽ gia tăng, người dân hưởng lợi vì được tiếp cận giao thông và các dịch vụ tiện ích đô thị. Ngoài ra, người dân có đất bị ảnh hưởng cũng được quy hoạch sớm hơn, chính sách bồi thường sẽ tốt hơn.
Bình luận (0)