Đang sống mà bị thông tin đã chết thì quả là sự xúc phạm lớn đối với nhạc sĩ Trần Tiến và người thân của ông; đồng thời gây hoang mang dư luận.
Nhạc sĩ Trần Tiến
Cách đây không lâu, khi danh ca Lệ Thu vừa mắc Covid-19 ở nước ngoài thì lập tức một tài khoản trên Facebook cũng đã tung tin bà qua đời. Công chúng yêu nhạc tiếc thương, thông tin trên lại được nhiều tài khoản khác chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Người thân của nữ danh ca vội đính chính nhưng tin giả đã lan tràn. Khoảng gần 1 tháng sau, bà mới qua đời và được gia đình chính thức công bố. Ai cũng không ngờ nữ danh ca nổi tiếng từng hát ca khúc "Giết người trong mộng" của cố nhạc sĩ Phạm Duy lại trở thành nạn nhân khi bị "khai tử"... trên mạng.
Tung tin đồn nhảm, hùa theo những thông tin giả, ngụy tạo tin tức... ngày càng phổ biến theo tốc độ phát triển của mạng xã hội. Nạn nhân của những trò này có thể nói không chừa một ai và mục tiêu của những kẻ ác ý cũng thiên hình vạn trạng. Thù ghét cá nhân tung tin xấu cũng có. Chứng tỏ mình hiểu biết, dù "rởm" cũng có. Đu bám theo những người nổi tiếng để đưa tin thất thiệt nhằm lôi kéo sự chú ý cũng có... Và đặc biệt, theo các nhà tâm thần học, không ít người có thú vui bệnh hoạn là tung tin xấu về bất cứ ai chỉ để thỏa mãn sự hoang tưởng của bản thân.
Mạng xã hội phát triển rất nhanh và mặt trái của nó cũng dần phơi bày. Không ít người kém ý thức cứ tưởng rằng đây là nơi khuất mặt nhưng quên rằng các cơ quan pháp luật có đủ cách truy tìm, có đủ điều khoản pháp lý để xử lý đến nơi đến chốn.
Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ năm 2018, quy định rõ những hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Điều 8 của luật này nghiêm cấm: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác". Tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Ngay trong những ngày miền Trung lao đao chống chọi với mưa bão hoành hành vào những tháng cuối năm 2020 vừa qua, vẫn có 2 người ở TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đăng thông tin nhảm rằng hàng trăm người ở huyện Lệ Thủy chết vì lũ lụt. Cơ quan chức năng không khó để tìm ra người đăng và bởi sự ăn năn của "thủ phạm" nên chỉ phạt hành chính mỗi người 5 triệu đồng.
Vụ khác, trong khi cả nước lao đao chống dịch Covid-19 thì vào tháng 4-2020, Phạm Văn Hải (ngụ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) tung tin thất thiệt có người chết vì dịch này. Chỉ 2 tuần sau, Hải bị bắt và phải lãnh mức án 6 tháng tù.
Mạng xã hội không hề "ảo", nếu lợi dụng nó để thông tin thất thiệt gây hại cho người khác thì coi chừng ở tù thật.
Bình luận (0)