Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11-1946 đã đưa ra luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tôi thường mượn cái tứ này để định hướng cho doanh nghiệp (DN), doanh nhân: "Văn hóa soi đường cho DN đi". Tức văn hóa phải là cái gốc quyết định hoạt động, sản phẩm, ứng xử, dịch vụ của DN.
Vậy văn hóa DN là gì? Thứ nhất, văn hóa là cách đãi ngộ với người lao động. Tôi khuyến khích đãi ngộ theo nguyên tắc 3P - mức thu nhập dựa vào position (công việc/ vị trí), person (năng lực cá nhân, độ hiếm) và performance (thành tích/ kết quả cá nhân và tổ chức). Thứ hai, văn hóa là cách ứng xử với người tiêu dùng thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cách giao tiếp, xử lý sự cố... Cuối cùng, văn hóa thể hiện ở cách DN chung sống hòa hợp với thiên nhiên, xã hội, không tàn phá môi trường, không làm tổn hại xã hội, không vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Từng có thời kỳ chúng ta coi mục tiêu tối thượng của DN là lợi nhuận. Thậm chí, có người nói "nếu lợi nhuận 300%-400% thì dù có treo cổ, nhà tư bản cũng sẵn sàng làm". Quan điểm này đã không còn phù hợp với thời đại bây giờ. DN cần kinh doanh trên cơ sở bảo đảm hài hòa cả 3 mục tiêu là lợi nhuận, con người và môi trường; trong đó, con người ở vị trí trung tâm và nền tảng là trách nhiệm của DN với xã hội. Chưa kể, trong thế giới phẳng, DN còn cần sự liên kết, liên doanh để cùng nâng đỡ nhau, lan tỏa các giá trị cho nhau và cùng phát triển bền vững.
Tôi luôn cho rằng cũng như mỗi con người, sự khác biệt của mỗi DN bắt nguồn từ nền tảng văn hóa. Việc thu hẹp khoảng cách về mặt công nghệ, tài chính có thể rất nhanh, phụ thuộc vào cách DN tích tụ vốn, lựa chọn công nghệ nhưng văn hóa không thể vay mượn hay nhập khẩu mà phải tự sáng tạo ra, tự xây dựng lên. Nếu tích hợp được giá trị văn hóa vào sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thì tính "độc bản", sức cạnh tranh của sản phẩm, của từng DN sẽ được nâng cao.
Tôi vẫn thường gửi gắm đến cộng đồng những người kinh doanh mong muốn họ hãy là doanh nhân, đừng là trọc phú. Có những người làm ăn rất giỏi, rất giàu có nhưng họ chưa xứng tầm doanh nhân. Một bộ phận DN có trình độ cũng như "phông" văn hóa còn chưa tốt, dù bên cạnh đó, tôi biết có những DN rất lớn, rất đàng hoàng, làm ăn tâm huyết. Tôi luôn khuyên DN đừng đợi tới khi lớn và giàu có rồi mới nghĩ đến xây dựng văn hóa mà ngay cả khi còn rất nhỏ hãy đừng xem nhẹ câu chuyện văn hóa thể hiện qua trách nhiệm xã hội, mục tiêu phát triển bền vững.
Bình luận (0)