Có thật là người dân Hội An "thiếu đói" không? Đọc thông tin trên một số trang điện tử, tôi cũng giật mình hoài nghi nên liền bấm điện thoại gọi ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, thì được giải thích rõ hơn: "Hơn 70% nguồn thu của phố Hội dựa vào du lịch - dịch vụ, hai năm qua do Covid-19 nên nguồn thu này chỉ còn 1/5, dẫn tới một bộ phận cư dân khó khăn. Để chăm lo 4.960 hộ với 12.251 nhân khẩu thuộc diện này, thành phố đề xuất cấp trên hỗ trợ hơn 183 tấn gạo cho dịp Tết Nhâm Dần và mùa giáp hạt sau Tết. Chăm lo cho dân là nhiệm vụ thường xuyên, năm ngoái cũng đề nghị hỗ trợ 120 tấn gạo. Việc này bình thường thôi".
Còn chữ "thiếu đói", theo ông Sơn, là từ dùng trong văn bản mẫu của Bộ LĐ-TB-XH, chứ gần 5.000 hộ dân nêu trên "chỉ khó khăn chứ không tới mức thiếu đói".
Đúng là Covid-19 ảnh hưởng kinh khiếp đến lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Trong trạng thái bình thường, với một điểm đến hút khách như Hội An, người dân có nhà, có cơ sở kinh doanh ở đây chỉ cần làm 1 năm là đủ ăn 4-5 năm! Đại dịch quét qua thành phố 2 năm liên tiếp, du lịch chết đứng, dịch vụ thì chết lâm sàng, thu ngân sách của địa phương từ hơn 2.000 tỉ đồng/năm của trước đây, giờ chỉ còn 400 tỉ đồng/năm. Vậy thì một bộ phận dân cư kiếm sống gián tiếp từ du lịch - dịch vụ không khó khăn mới lạ!
Nêu ra thực tế không vui của Hội An để thấy thêm rằng với một thành phố thịnh vượng như thế mà cũng "liêu xiêu" bởi đại dịch thì nói gì các địa phương khó khăn triền miên từ trước đến nay. Nhà nước cùng từng tỉnh, thành trong và sau dịch đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế; vào dịp cận Tết cổ truyền này, họ cần được quan tâm, chăm sóc kịp thời, chu đáo hơn nữa để bảo đảm ai cũng có một cái Tết ấm áp.
Gần cuối tháng 1-2021, theo sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 8.401,215 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho người dân 11 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nhóm được hỗ trợ gạo nhiều nhất vẫn là các địa phương thu ngân sách thấp, còn lắm khó khăn, như: Quảng Ngãi (1.240,125 tấn), Quảng Bình (1.127,61 tấn), Quảng Trị (807,57 tấn), Cao Bằng (546,21 tấn), Ninh Thuận (530,205 tấn)... Tết Nhâm Dần 2022 này, với sự tác động tiêu cực sâu rộng của đại dịch, chắc chắn lượng người và số địa phương khó khăn cần hỗ trợ sẽ nhiều hơn.
Trong khi đó, công khố có hạn. Năm 2021, thu ngân sách quốc gia có tăng nhưng chi cũng tăng mạnh, nhất là phòng chống dịch. Nhìn vào thực tế ấy để biết tiết kiệm hơn nữa, chống lãng phí mạnh hơn nữa; tập trung các nhiệm vụ phục hồi kinh tế và chăm lo an sinh xã hội. Chiều 11-1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất trong lịch sử nước ta với số tiền khoảng 350.000 tỉ đồng. Sự ra đời của gói hỗ trợ này cũng vì sự phát triển của đất nước, vì cơm no áo ấm của người dân.
Bình luận (0)