Cuối tháng 4-2019, phóng viên Báo Người Lao Động có cơ hội tham gia đoàn đại biểu kiều bào và một số tỉnh, thành ra thăm, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Đêm giao lưu văn nghệ được tổ chức trên đảo đúng dịp trăng tròn.
Ngồi trò chuyện dưới gốc cây bàng vuông, một chiến sĩ rất trẻ cho biết em thuộc đội lính xuồng trên đảo, với nụ cười hiền khô chỉ cho chúng tôi xem hoa bàng đang nở và nói rằng ai được ngắm hoa bàng vuông nở sẽ có nhiều may mắn. Đúng lúc đó thì một đồng đội gọi em và nói: "Đến giờ rồi". Em chỉ kịp quay lại nói với chúng tôi: "Em múa võ, các chị ra xem nhé".
Video chiến sĩ Trường Sa biểu diễn võ thuật
Sau đó, chúng tôi đã được chứng kiến màn biểu diễn võ thuật đặc sắc của các chàng trai trẻ. Các chiến sĩ đặc công thủy trên đảo đã biểu diễn bay qua vòng lửa, thi đấu đối kháng, hạ gục nhiều "đối thủ", khiến đông đảo người xem hết sức hào hứng...
Đảo Trường Sa được mệnh danh là trái "tim của quần đảo Trường Sa", "Thủ đô của huyện đảo Trường Sa". Thị trấn Trường Sa là trung tâm của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, trên đảo có các công trình như: Nhà đèn, nhà dân, chùa, trạm khí tượng thuỷ văn, nhà khách thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ…
Trường Sa có mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Mùa khô khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng, oi bức kéo dài từ 5 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày, nhưng đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng, thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra. Thực vật chủ yếu ở đảo là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao, muống biển… Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm và có một số loài chim, chủ yếu là cò. Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió khi bất ngờ gặp bão, dông….
Bình luận (0)