Ngày 24-8, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, xác nhận vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục 4 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương, trụ sở tại tỉnh Nam Định) đóng, đang hư hỏng, gỉ sét nặng.
Hai phương án sửa chữa
Trước đó, ngày 22-8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc khắc phục các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng trên địa bàn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện đã có 12 tàu vỏ thép hư hỏng được Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, trụ sở tại TP Hải Phòng) và Công ty Đại Nguyên Dương kéo lên cơ sở của Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sửa chữa. Trong đó, Công ty Nam Triệu kéo lên 7 tàu và đã thay máy thủy mới hiệu Mitsubishi cho 6 tàu, đồng thời sơn sửa lại vỏ tàu bị gỉ sét, hầm bảo quản, hệ thống lái, trang thiết bị... Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành việc sửa chữa 15 tàu vỏ thép trước ngày 30-8. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn như chủ tàu thay đổi ý kiến về sửa tàu, thời tiết có mưa nên không phun sơn bắn cát được… do đó công việc bị chậm. Công ty Nam Triệu cam kết sửa chữa xong các tàu trước ngày 30-9.
Ngư dân buồn rầu với tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng
Công ty Đại Nguyên Dương kéo 5 tàu lên chờ sửa chữa. Trong quá trình chờ, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định lấy 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy của 5 tàu để kiểm tra. Kết quả, 7 mẫu của 4/5 tàu không đạt chuẩn mác A.
Hiện Công ty Đại Nguyên Dương và các ngư dân đang thỏa thuận phương án sửa chữa. Trong đó, tàu cá BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân (ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) có 2 mẫu đều đạt chuẩn mác A sẽ sửa chữa và sơn lại vỏ, công ty trả lại tiền chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và Trung Quốc cho chủ tàu.
Bốn tàu còn lại có mẫu thép không đạt chuẩn mác A, sau khi làm việc với các công ty đóng tàu và ngư dân, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đề nghị UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT cho ý kiến về 2 phương án sửa chữa. Thứ nhất, thay thế các tấm thép trên vỏ thép không đạt chuẩn mác A hoặc thay thế toàn bộ vỏ thép bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn mác A theo hợp đồng. Thứ hai, sửa chữa, sơn lại đúng quy trình và công ty trả tiền chênh lệch về vỏ tàu cho chủ tàu.
Phải làm đúng hợp đồng
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng thời gian qua, Công ty Nam Triệu thực hiện tốt việc sửa chữa tàu vỏ thép. Tuy nhiên, đơn vị này phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Ông Châu bác thẳng thừng 2 phương án của Công ty Đại Nguyên Dương mà Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đề nghị.
"Theo phương án thứ nhất thì biết tấm nào của vỏ tàu không đạt chuẩn mác A mà tháo để thay? Với phương án thứ hai, để nguyên thép không đạt chuẩn thì tàu đi biển được mấy lần? Không thể làm ăn giả dối như thế được, phải trả lại tàu theo đúng hợp đồng cho ngư dân" - ông Châu nói.
Đồng tình với ông Châu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc sửa chữa, khắc phục tàu và gợi ý: "Làm như thế nào là do UBND tỉnh Bình Định quyết định. Tỉnh nên mời chuyên gia có chuyên môn sâu về vật liệu để giám định chất liệu đóng tàu, tư vấn và căn cứ thực tiễn, hiệu quả để làm sao sửa chữa tàu nhanh nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng".
Đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá làm rõ
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định vào ngày 21-8, ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Công ty Đại Nguyên Dương, giải thích lý do 5 tàu do công ty ông đóng bị gỉ sét, nhanh xuống cấp là vì thời điểm phun sơn là lúc có gió mùa Đông Bắc, độ ẩm cao nên chất lượng không bảo đảm. Riêng kết quả kiểm tra 4/5 tàu được làm bằng thép không đạt chuẩn mác A do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định vừa công bố, ông Thục đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) phải làm rõ.
Theo ông Thục, công ty ông nhập 80 tấn thép về để đóng 5 tàu trên, trong đó có 20 tấn thép Hàn Quốc và 60 tấn thép Trung Quốc. Trước khi đóng, đăng kiểm viên đã lấy mẫu kiểm tra và kết luận toàn bộ lô thép đạt chuẩn mác A nên cho sử dụng, giờ lại bảo không đạt chuẩn mác A thì không thể chấp nhận được.
Ép quá thì kiện
"Tôi yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trả lời cụ thể thép đóng 5 tàu cá này có phải là mác A hay không? Nếu đơn vị này khẳng định không phải mác A thì đương nhiên phải thay nhưng chúng tôi sẽ kiện Bộ NN-PTNT vì chính cơ quan này xác nhận đạt chuẩn mác A và cho chúng tôi đóng. Đối với các chủ tàu, hồ sơ hoàn công đóng mỗi tàu chỉ 14,2 tỉ đồng, giờ bắt sửa tàu lên đến 15,8 tỉ đồng thì không thể chấp nhận được. Nếu ép quá thì chúng tôi kiện" - ông Lê Văn Thục khẳng định.
Bình luận (0)