Ngày 26-9, liên quan đến vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết Hội đồng kỷ luật của sở này đã đề xuất UBND TP Hà Nội kỷ luật "Cảnh cáo" với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ-Đặc dụng Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (bên phải), tặng hoa chúc mừng bà Nguyễn Thị Thu Hằng trong ngày công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng Hà Nội hồi tháng 5-2017 - Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Theo ông Chu Phú Mỹ, từ tháng 4-2019, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận "lãnh đạo Ban quản lý rừng Phòng hộ-Đặc dụng Hà Nội có vi phạm trong công tác quản lý hồ sơ đất rừng Sóc Sơn không rõ ràng".
Tuy nhiên, ông Chu Phú Mỹ cho rằng: "Mức độ vi phạm của bà Hằng không đến mức kỷ luật bằng hình thức "Cách chức". Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ không có sự thông đồng của Ban quản lý rừng để người dân xây dựng”.
Hàng loạt công trình "khủng" trên địa bàn huyện Sóc Sơn đang bị đình chỉ cưỡng chế
Trước đó, Huyện ủy Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật 19 trường hợp vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật; không kỷ luật 22 trường hợp vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh); "Khiển trách" 29 trường hợp; "Cảnh cáo" 6 trường hợp; "Cách chức" 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, gồm: ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn bị kỷ luật bằng hình thức "Khiển trách"; ông Vương Văn Bút và ông Tạ Văn Đạo, là nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cùng bị kỷ luật "Cảnh cáo".
Trong 68 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng phát sinh trong năm 2017-2018, các xã đã xử lý dứt điểm được 36 trường hợp. Cùng với việc xử lý 68 công trình vi phạm đất rừng đã được nêu trong thông báo kết luận của Thanh tra TP, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã lập kế hoạch để tiến tới tiếp tục xử lý 283 công trình vi phạm đất rừng từ năm 2016 trở về trước. Trong số 283 công trình vi phạm này có 2 công trình lớn được dư luận đặc biệt quan tâm là phủ Thành Chương và nhà gia đình ca sĩ Mỹ Linh.
Bình luận (0)