Ngày 22-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020...
GDP có thể tăng 7%
Thảo luận tại tổ về báo cáo KT-XH, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) QH đánh giá cao sự tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Để đạt kết quả trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH Lê Thị Nga, Chính phủ từ đầu năm đã làm rất bài bản khi ban hành Nghị quyết 01 và các văn bản xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp và hàng trăm nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo bám sát thực tiễn, tạo không khí phấn khởi trong xã hội về xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Điều đó tạo hình ảnh Chính phủ năng động, linh hoạt trong giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu năm 2019, kinh tế thế giới, khu vực, các nước lớn đều giảm tốc độ tăng trưởng. "Ngay cả Trung Quốc tăng trưởng cao nhiều năm cũng giảm, chỉ tăng 6%. Trong khi Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, có thể tăng 6,9%-7% năm 2019" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói. Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, các chỉ số nền kinh tế cho thấy dấu hiệu "bền vững" tăng lên như kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước tăng 16% trong khi DN FDI tăng 5%. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước lại vượt thu lớn ở các địa phương thay vì tăng ở khu vực trung ương.
Một nội dung quan trọng khác, theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy với quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rõ đến đâu xử lý đến đó. Trong đó, có bước tiến là điều tra, chứng minh làm rõ được hành vi tham nhũng trong vụ án lớn. Bởi trước đây ít chứng minh được yếu tố vụ lợi trong các vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hay Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bà Lê Thị Nga cho hay vụ ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn là vụ đưa - nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTP kiến nghị Chính phủ phải có cơ quan nghiên cứu về quy luật của tham nhũng để phòng chống hiệu quả. "Tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, sân sau, sân trước có biểu hiện gì, cách thức thế nào? Cần có nghiên cứu thấu đáo các vụ AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn thua lỗ... rút ra cái gì để phòng ngừa?" - bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu ở buổi thảo luận tại tổ Ảnh: Quang Phúc
"Cởi trói" để thu hút vốn
Tại tổ TP HCM, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông là điểm nghẽn trong phát triển. "Tắc từ trong đô thị, nội thành tới quốc lộ nên chi phí logistics rất cao làm nhà đầu tư, DN rất ngán. Khâu lưu thông, cần giải quyết điểm nghẽn về giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy đến sân bay"- ông Ngân bày tỏ.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết việc hủy đấu thầu quốc tế dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhiều người dân nhắn tin bày tỏ "rất vui" và nhờ QH giám sát. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn nhà đầu tư trong nước có đảm đương được dự án lớn này? Ông Trần Hoàng Ngân dẫn ví dụ dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do nhà đầu tư trong nước làm kéo dài cần làm rõ nguyên nhân do thiếu vốn mà vay ngân hàng thì không dễ dàng. Từ đó, chuyên gia kinh tế này đề xuất Chính phủ nên bảo lãnh cho DN Việt Nam phát hành trái phiếu huy động vốn. "Để tự DN phát hành trái phiếu thì không ai dám mua, rất khó huy động. Trong khi nợ công đang giảm thì hỗ trợ DN làm cao tốc bằng cách bảo lãnh là hợp lý" - ông Trần Hoàng Ngân nói và hiến kế thay vì đầu tư công, Chính phủ bỏ vốn thì hợp tác công tư để có thêm động lực, nguồn vốn triển khai đường cao tốc cũng như đường sắt đô thị như TP HCM.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thừa nhận về kết cấu hạ tầng, 2 điểm nghẽn lớn là thể chế và đầu tư. Cụ thể, về thế chế, hiện một số luật chưa thống nhất, chồng chéo dẫn đến quá trình lấy ý kiến nhiều bộ, ngành cho các dự án mất nhiều thời gian. Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn ví dụ nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất nếu áp dụng theo Luật Hàng không thì rất nhanh nhưng áp theo Luật Đầu tư phải mất
6-7 tháng. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về quy trình phê duyệt dự án đầu tư có số vốn lớn cũng mất 1 năm để được thông qua chủ trương đầu tư, dự án trên 10.000 tỉ đồng phải trình QH thì còn mất nhiều thời gian hơn. Ví dụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng mất 3 năm để xin chủ trương đầu tư, phê duyệt 11 dự án thành phần và đấu thầu tư vấn thiết kế lập thiết kế kỹ thuật và dự toán. "Nên chăng, rút ngắn quy trình, thủ tục, làm rõ thời điểm bố trí vốn cho hợp lý. Chứ bố trí vốn mà không giải ngân được thì cũng lãng phí" - Bộ trưởng GTVT kiến nghị. Nêu dự án trọng điểm quốc gia - sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc trình QH tách riêng giải phóng mặt bằng và xây lắp để đẩy nhanh tiến độ.
Vấn đề quan trọng thứ hai, theo ông Thể, là thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông. "Hiện việc huy động vốn xã hội cho lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trong khi tình hình xây dựng cơ bản chậm sẽ ảnh hưởng đến phát triển KT-XH. Để tạo đột phát về thu hút đầu tư từ xã hội cho hạ tầng giao thông thì ngoài rút gọn quy trình và sớm có luật định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP" - ông Thể kiến nghị.
Nói thêm về dự án Sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết ngày 24-10, bộ sẽ báo cáo QH, nếu được QH đồng ý chọn Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện sẽ rút ngắn 1 năm và có thể khởi công dự án này trong năm 2021.
Cần thông tin nhanh, kịp thời về biển Đông
Một vấn đề quan trọng cũng được các ĐBQH đặt lên bàn nghị sự là tình hình biển Đông, chủ quyền lãnh thổ. ĐB Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) đề nghị nhân dân cần có những thông tin nhanh, kịp thời về vấn đề biển Đông để nắm bắt, chia sẻ, không bị kẻ xấu lợi dụng.
Đồng tình, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (tỉnh Hà Giang) đề nghị công tác tuyên truyền chống lại các luận điệu chống phá, xuyên tạc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo phải được đẩy mạnh hơn. Vị ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết hiện các nhóm đối tượng trong nước và ngoài nước hoạt động tuyên truyền sai lệch, đưa thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội đang ngày càng nhiều nhưng kết quả xử lý, kiểm soát của chúng ta còn hạn chế. "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo để xử lý quyết liệt hơn tình trạng vi phạm này. Nếu không, các thông tin xấu, độc tràn ngập trên mạng, khiến người đọc hoang mang, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân" - ĐB Sùng Thìn Cò nói.
Về giải pháp, ông Sùng Thìn Cò cho rằng công tác tuyên truyền để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu chống phá, xuyên tạc, nhất là các tin xấu, độc chống phá chế độ phải được đẩy mạnh hơn và sát với thực tế hơn. Đặc biệt, liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biên giới, chủ quyền lãnh hải, biển đảo, ĐB Sùng Thìn Cò cho rằng phải tiếp tục kết hợp đấu tranh trên thực địa và ngoại giao, song phương và đa phương, vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.
Dư nợ bất động sản 1,5 triệu tỉ đồng
Nêu con số dư nợ tín dụng cả nước trên 7 triệu tỉ đồng, trong đó có hơn 1,5 triệu tỉ đồng đổ vào bất động sản (BĐS), ĐB Hoàng Quốc Thưởng (tỉnh Hải Dương) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp.
Xác nhận con số này là chính xác song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý số dư nợ cho kinh doanh BĐS chỉ có 32,7% trong 1,5 triệu tỉ đồng và khẳng định tín dụng BĐS được Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ. Theo đó, có năm tín dụng tăng đến 33% mà GDP tăng 6%, có năm tín dụng lên đến 54%, còn mấy năm nay đều dưới 14%. Làm rõ thêm, theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng tín dụng BĐS có sự đột biến là do các năm trước thống kê dư nợ cho DN kinh doanh BĐS riêng, tín dụng tiêu dùng cho nhu cầu nhà ở riêng. Năm nay cộng gộp để không chủ quan. "Đơn vị kinh doanh BĐS có số dư nợ tín dụng 5.000 tỉ đồng thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước 3 tháng phải báo cáo Chính phủ một lần và phải chịu trách nhiệm về báo cáo đó" - Phó Thủ tướng trấn an.
Bình luận (0)