Nội dung trên được nêu trong quyết định của UBND TP HCM. Theo đó, ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vố đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Cụ thể, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng từ 0 giờ 1-4-2021 đến 31-3-2022 như sau: Ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt, ôtô 12-30 chỗ và xe tải 2-4 tấn 38.000 đồng/lượt, ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4-10 tấn 50.000 đồng, xe tải 10-18 tấn, xe container loại 20 feet 100.000 đồng/lượt, xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet 140.000 đồng/lượt.
Mức thu này được chủ đầu tư cho biết chỉ bằng 90% mức giá ban đầu nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Sau ngày 31-3-2022, mức thu sẽ quay về mức cũ, tăng thêm 10% với mỗi loại phương tiện.
Có 11 nhóm phương tiện được miễn thu tiền sử dụng đường bộ gồm xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp (máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, tuốt lúa) và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát, xe hộ đê.
Ngoài ra, giảm giá 100% cho xe buýt tuyến cố định của TP HCM có lộ trình đi qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội.
Trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội dừng thu phí nhiều năm nay, chuẩn bị mở lại từ 1-4 này
Riêng xe dưới 12 chỗ không kinh doanh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày trạm thu phí hoạt động) ở mặt tiền hai đường song hành Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) được giảm 50% giá vé. Chủ sở hữu phương tiện phải sử dụng dịch vụ thu phí không ngừng và có hồ sơ xác nhận của UBND TP Thủ Đức về cư trú và việc xác nhận của Sở GTVT về việc không sử dụng phương tiện để kinh doanh.
Theo CII, để việc thu phí không gây cản trở giao thông, đơn vị này khuyến khích người dân nên mua vé tháng, vé quý, dán tem thu phí không dừng. Việc bán vé tháng, vé quý được đơn vị triển khai từ ngày 25-3 và từ 27-3 tiến hành thu phí thử nghiệm hệ thống.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 dài 15,7 km với 14-20 làn xe, chia làm 3 đoạn, đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao Trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Năm 2009, dự án được UBND TP HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.287 tỉ đồng và năm 2016 điều chỉnh nâng lên hơn 4.905 tỉ đồng. Hiện, công trình hoàn thành toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia, dài hơn 13 km. Đồng thời, dự án hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% đường song hành bên trái.
Phần đi qua Bình Dương do vướng mặt bằng nên chưa hoàn thành.
Bình luận (0)