Tại phiên họp thứ 23 từ ngày 9 đến 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo nghị quyết của QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54 của QH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 23
Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, UBTVHQ và Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5 này. Trước đó, QH quyết nghị cho kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến hết năm 2023.
Về một số cơ chế, chính sách cụ thể, Chính phủ đề xuất Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn.
Tại phiên họp, Chủ tịch QH nhấn mạnh TP HCM là đầu tàu cho cả nước phát triển. Đứng trước yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề thể chế, chính sách cho địa phương và các vùng động lực là rất quan trọng.
Theo dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, dự kiến có 44 cơ chế, chính sách nằm trong các nhóm chính sách lớn do Chính phủ trình QH. Để tập trung cho phiên họp, Chủ tịch QH đề nghị các thành viên UBTVQH và các cơ quan liên quan tập trung thảo luận 27 chính sách mới.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị cho ý kiến, thảo luận về việc ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm để xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.
Trước đó, theo đề xuất của Chính phủ, TP HCM sẽ được áp dụng 7 nhóm chính sách đặc thù về các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Nghị quyết này nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
HĐND TP HCM quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND bố trí vốn đầu tư công để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP HCM cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm.
Đáng chú ý, TP HCM dự kiến có thể huy động các nguồn tăng thu khoảng 119.000 tỉ đồng, ngoài mức vốn đã được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được Chính phủ giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, đề xuất cho phép TP HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích, di sản văn hóa, với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, xem xét cho phép TP HCM được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với dự án đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng công trình giao thông.
Đáng chú ý, đề xuất TP HCM được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT). Sau khi xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho thành phố và thành phố sẽ thanh toán bằng vốn ngân sách.
Bình luận (0)