Đại diện Công ty CP Xe khách Sài Gòn cho biết trước nhiều khó khăn, từ 30 tuyến xe buýt của 10 năm trước, đến nay đơn vị chỉ duy trì 20 tuyến, phương tiện cũng giảm còn 343 xe. Hoạt động xe buýt đang được bù lỗ nhờ vào các hoạt động kinh doanh khác.
Xe buýt cần được “giải vây” bằng những “con đường bằng phẳng” có tên chính sách
Những mong mỏi chính đáng
Với 4 gói thầu Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng vừa tổ chức, Công ty CP Xe khách Sài Gòn đã cố gắng tham gia 3 tuyến xe mà công ty đang khai thác gồm tuyến số 50, 52, 91. Ba tuyến này có sản lượng hành khách chỉ 30%-40% so với khả năng vận chuyển. Nếu không tham gia đấu thầu thì xe không biết làm gì; còn tham gia, khả năng đạt chỉ tiêu sản lượng hành khách rất khó, bởi thực tế hành khách đi xe buýt đang giảm từ sau dịch COVID-19 đến nay.
"Chúng tôi đề xuất Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng nên lấy sản lượng hành khách của năm 2022 làm cơ sở đấu thầu để sát thực tế. Ngoài ra, chi phí nhiên liệu trong gói thầu cũng phải tính đúng, tính đủ đối với chủng loại phương tiện. Nếu chạy xe gas mà tính giá dầu thì mỗi km chúng tôi mất 1.000 - 2.000 đồng" - đại diện Công ty CP Xe khách Sài Gòn kể.
Nhiều chuyên gia cho rằng những giải pháp vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng đã được ngành giao thông vạch ra trên quan điểm kéo phương tiện cá nhân xuống và đẩy phương tiện vận tải công cộng lên. Tuy nhiên, vì phải có thời gian, lộ trình triển khai nên trước mắt cần ưu tiên những giải pháp ngắn hạn.
Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM, nhận định nếu không có những chính sách hỗ trợ trong trợ giá, đấu thầu thì những chiếc xe buýt đầu tư mới khó sống.
Từ năm 2014, Liên hiệp HTX Vận tải thành phố là đơn vị tiên phong kêu gọi xã viên đầu tư xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, đến nay có 200 xe.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, những xã viên có xe mới rơi vào tình cảnh khốn khó do lượng khách ít, tiền vay và trả lãi ngân hàng cao hơn xe thường nên lỗ chồng lỗ. Ngoài ra, trạm bơm CNG cũng co cụm, bến bãi hạ tầng không được đầu tư như dự kiến khiến nhà đầu tư rất nản.
Theo ông Phùng Đăng Hải, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho xe buýt chạy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường, trong công tác đấu thầu nên ưu tiên để phương tiện này tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, nên điều chỉnh khoán sản lượng sát thực tế, xem xét tiền hỗ trợ cho xe buýt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Hóa giải bằng chính sách
Là người tâm huyết và có nhiều đề xuất để "vực dậy" xe buýt liên tục nhiều năm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, nhìn nhận xe buýt hiện nay hoạt động trong tình trạng "ăn đong". Để xe buýt phát triển bền vững, chính quyền thành phố cần có kế hoạch phát triển mạng lưới, luồng tuyến, dự liệu chi phí trợ giá trong 5 - 10 năm tới, nhất là khi tuyến metro số 1 sắp đưa vào vận hành. Cùng với đó là kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang điện, CNG từ năm 2025 theo lộ trình của Chính phủ.
Những hành khách chọn xe buýt cho chuyến đi của mình
Ông Tính cũng đề xuất Sở Giao thông Vận tải TP HCM mạnh dạn tái cấu trúc các doanh nghiệp vận tải. Hiện nay 15-20 doanh nghiệp xe buýt là nhiều, nên sáp nhập lại để nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng khoa học - công nghệ vào phục vụ khách. Song song đó, tổ chức làn đường ưu tiên, làn đường riêng cho xe buýt bảo đảm tính đúng giờ cũng như an toàn.
Riêng về đấu thầu tuyến, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, để tránh thất thoát và lãng phí tiền trợ giá của thành phố, bên tư vấn lập hồ sơ dự thầu cần khảo sát sản lượng và lộ trình thực tế để dự báo sản lượng chính xác, đưa ra loại phương tiện vận chuyển phù hợp từng luồng tuyến cụ thể.
"Cơ chế đấu thầu là động lực phát huy tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được đơn vị có năng lực và quy mô, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt. Nếu đấu thầu tốt sẽ giúp tạo ra sản phẩm tốt hơn phục vụ hành khách, giảm chi phí trợ giá của thành phố" - ông Tính đánh giá.
Nối dài sứ mệnh
PGS-TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP HCM) trong tham luận mới đây của mình đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc vận tải hành khách công cộng yếu kém.
Cụ thể như mạng lưới xe buýt chưa phủ đều, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; mô hình quản lý vận tải hành khách công cộng đã tỏ ra lỗi thời dẫn đến nhiều bất cập trong bảo đảm hoạt động đúng kế hoạch và bảo đảm dịch vụ phù hợp nhu cầu của người dân; sự phát triển của dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ khá tiện lợi đã chiếm dần thị phần của xe buýt...
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, trong khi các loại hình vận chuyển hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh (BRT) chưa có hay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa vận hành thì những yếu kém trên cần nhanh khắc phục.
Chuyên gia này nhận định đến năm 2030 xe buýt vẫn là hình thức vận chuyển quan trọng tại TP HCM. Để xe buýt đảm đương tốt sứ mệnh này, trên cơ sở TP HCM có tỉ lệ dân số cao sống trong hẻm xa đường chính, thành phố cần bổ sung hệ thống mini bus trung chuyển hành khách từ các đường hẻm ra tuyến xe buýt để người dân trở lại với thói quen di chuyển này.
PGS-TS Phạm Xuân Mai cũng đồng ý rằng bố trí làn đường ưu tiên, làn đường riêng giúp xe buýt hoạt động đúng giờ, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là cần thiết. Ngoài ra, nên tổ chức lại hệ thống xe buýt, cải tổ lại đơn vị vận tải, không để tồn tại nhiều đơn vị nhỏ lẻ mà thiếu vắng các công ty, tập đoàn tư nhân lớn tham gia… Từ đó, giúp liên kết hợp tác vận tải đa phương thức sau này như buýt - metro - tramway...
Tín hiệu vui
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, cho biết toàn TP HCM hiện có 128 tuyến xe buýt (gồm 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá) với 2.019 phương tiện và 38 đơn vị vận tải tham gia hoạt động.
Sản lượng hành khách từ sau dịch COVID-19 sụt giảm và chưa tăng lại như kỳ vọng. Tuy nhiên 10 tháng của năm 2023, hành khách đi xe buýt đạt 67,1 triệu lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu vui bởi trong nhiều khó khăn, xe buýt thành phố vẫn cố gắng bảo đảm luồng tuyến, lộ trình phục vụ hành khách tốt hơn.
"Ngoài rà soát, ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các đơn vị vận tải, trung tâm đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải và sở đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc sớm chi hỗ trợ cho xe buýt trong đợt dịch COVID-19 cũng như chi chênh lệch tiền lương cơ sở các năm 2020, 2021" - ông Hoàn thông tin.
Sản lượng khách tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2022 là một tín hiệu vui
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng nói thêm công tác đấu thầu tuyến được đơn vị đẩy mạnh và triển khai đều đặn nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thu hút hành khách đi xe buýt. Trong số 91 tuyến có trợ giá, đến nay thành phố đã tổ chức đấu thầu 23 tuyến. Qua theo dõi trên 6 tuyến mà đơn vị trúng thầu khai thác cho thấy công tác đấu thầu mang lại một số hiệu quả, tạo bộ mặt mới cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi phương tiện được thay mới, chất lượng phục vụ được nâng cao và giảm trợ giá từ ngân sách.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-11
Bình luận (0)