Lẽ tự nhiên các quốc gia nhập khẩu gạo phải chuyển hướng sang 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu khác là Thái Lan và Việt Nam. Các tác động cộng hưởng khác về suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, buộc các quốc gia phải tăng mua và dự trữ lương thực đẩy cầu tăng, về lý thuyết giá gạo thế giới cũng tăng. Vì vậy, Việt Nam và Thái Lan phải giải bài toán bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tận dụng thời cơ trước biến động cung - cầu như thế nào để điều hành xuất khẩu gạo có lợi nhất.
Câu hỏi đặt ra là hành động ưu tiên của chúng ta là gì? Cần được xem xét dựa trên chiến lược an ninh lương thực quốc gia, bài toán cung - cầu lúa gạo trong nước, trên thế giới và thực tiễn thị trường lúa gạo đang diễn ra sôi động và có nhiều biến động.
Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về quyết định của Ấn Độ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện 610/CĐ-TTg ngày 3-7-2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, giao các bộ, ngành, địa phương và Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động, tích cực tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước tăng hơn 22% về lượng, giá bán tăng 10,2%, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỉ USD, tăng gần 35% so cùng kỳ năm 2022, góp phần tăng thu nhập nông dân, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thiên tai, giá cả lương thực leo thang và Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, việc tăng hay giảm, thậm chí hạn chế xuất khẩu gạo Việt lại trở nên nóng như đã từng xảy ra vào các năm 2008, 2020 và 2022. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm, mọi quyết định điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay đều tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo trong nước và thu nhập trực tiếp của nông dân.
Định vị hạt gạo từ cánh cửa rộng xuất khẩu cần sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, tận dụng thời cơ thị trường, nhưng về lâu dài rất cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Đồng thời phải tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
Trong điều kiện hiện nay và về lâu dài, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam vẫn là quốc gia đóng góp có trách nhiệm cho thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt trong dài hạn, nhưng các quyết định tình thế, tận dụng thời cơ có tác động rất quan trọng để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, trong khi không thể bỏ qua lợi ích, thu nhập của người trồng lúa.
Bình luận (0)