7 giờ sáng, Lê Thị Ánh Ngọc (SN 1993) tất bật phân loại ve chai để đi bán. Số ve chai này là thành quả của chuyến đi tới 2 giờ đêm qua của Ngọc trên khắp các con đường của quận Bình Thạnh (TP HCM). Gắn bó với nghề nhặt ve chai từ năm 5 tuổi, đến nay đã 29 tuổi, gia tài lớn nhất của Ngọc có lẽ là chiếc xe kéo dùng để đi làm.
Vừa nhanh tay lựa chai nhựa, lon nước, Ngọc vừa kể về công việc của mình. "Có đêm đi tới 2, 3 giờ sáng nhưng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Hôm nào may mắn thì kiếm được nhiều hơn, nhưng trung bình mỗi ngày cũng chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng. Hai vợ chồng cùng đi làm, trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống và tiền nhà thì chẳng còn dư bao nhiêu, dù đã cố gắng tiện tặn hết cỡ" - Ngọc tâm sự.
Những ngày cuối năm, Ngọc không dám nghĩ đến chuyện sắm sửa, chỉ lo nhặt ve chai kiếm tiền
Căn nhà trọ nơi vợ chồng Ngọc ở nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP HCM). Khu vực này, người dân thường gọi là xóm ruộng hoặc xóm ve chai, là nơi tập trung những người chuyên làm nghề nhặt ve chai sinh sống.
Ngọc kể, mọi năm, cứ đến những ngày giáp Tết, xóm ve chai lại bắt đầu nhộn nhịp hơn ngày bình thường một chút. Bởi đây là thời điểm nhiều nhà hảo tâm đến tặng quà, tặng tiền để người dân ở đây được đón một cái Tết đủ đầy hơn.
Tuy nhiên, năm nay, theo lời của Ngọc, có rất ít người tìm đến tặng quà. "Chắc do dịch bệnh, người ta cũng khó khăn, nên không ai tới giúp đỡ" - Ngọc giải thích.
Năm nay, không khí ở xóm ve chai trầm buồn hơn mọi năm do ai cũng khó khăn
Khi được hỏi đã sắm sửa gì cho Tết, Ngọc cười giòn: "Ngày Tết cũng chỉ như ngày bình thường chứ có sắm sửa gì đâu. Tôi còn tranh thủ nhặt ve chai cho đến ngày cuối của năm mới nghỉ. Không đi làm thì lấy đâu tiền mà ăn, nói gì đến tiền sắm Tết".
Ngọc cho biết dù Tết là ngày đặc biệt trong năm, nhưng với chị, Tết chỉ cần đủ tiền trả tiền trọ là đã vui, không dám mơ nghĩ cao xa.
Không riêng Ngọc, đó còn là tâm lý chung của nhiều người sống tại xóm ve chai này, trong những ngày cuối năm.
Khu trọ đã xuống cấp là nơi ở của hàng chục người có hoàn cảnh cơ cực
Bà Lê Thị Ánh Mai (SN 1965), mẹ của Ngọc, cũng sống trong khu trọ này. Trong nhà trọ xập xệ, bà Mai ngồi lặng lẽ bên cạnh cửa, kể về những cái Tết đã qua của mình. Đó là những cái Tết na ná nhau, đều không có tiền sắm sửa, không có áo quần mới để mặc. Những cái Tết trôi qua như ngày bình thường.
Bà Mai (trái) trong nhà trọ xập xệ, chật chội và thiếu sáng của mình
"Không có mua gì đâu. Tết chỉ cần người ta cho thịt, mình mua thêm trứng về kho thành nồi thịt ăn ba bữa là được" - bà Mai kể về điều bà mong muốn trong năm mới.
Phía trước dãy trọ của bà Ánh Mai là phòng trọ của bà Lê Thị Kim Hoa (SN 1958). Để nói về cuộc sống của bà Hoa, chữ "nghèo" có lẽ cũng không thể nào lột tả hết. Căn trọ thuê với giá 1,4 triệu đồng/tháng nhưng vô cùng xập xệ.
Bà Hoa ngồi trên chiếc võng cũng là chỗ ngủ hàng đêm của mình
Căn phòng trống trơn, vách phòng là tấm tôn, căng thêm tấm bạt, còn sàn nhà là những tấm gỗ chồng gá lên nhau. Trong nhà chỉ có cây quạt điện là giá trị nhất. Đến chỗ nấu ăn cũng tạm bợ trên nền nhà, còn chỗ ngủ chỉ là một chiếc võng.
Cũng giống như những người sống trong khu trọ này, hễ nhắc về Tết, bà Hoa lại rưng rưng nước mắt. "Tiền đâu ra mà ăn Tết. Giờ còn đang lo không có tiền đóng tiền trọ nữa" - bà Hoa nghẹn ngào.
Bình luận (0)