Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 2-2024 đang trên đường trở thành tháng 2 có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino. Nếu được xác nhận, đây sẽ là tháng thứ 9 liên tiếp ghi nhận kỷ lục nhiệt độ cao bị phá vỡ.
Số liệu của NOAA càng được củng cố khi nhiều nước ở châu Á đang vật lộn với thời tiết khô nóng trong thời gian qua.
Hôm 29-2, Thái Lan bắt đầu chương trình tạo mưa nhân tạo để giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí và điều kiện thời tiết khô hạn tại những khu vực trồng trọt chính. Theo trang Bloomberg, 30 máy bay dự kiến được triển khai khắp nước để làm mưa nhân tạo trong 2 tháng 3 và 4.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Thamanat Prompow, mưa nhân tạo là cần thiết để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Thái Lan, đồng thời ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở nhiều nơi. Mưa nhân tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm không khí, bổ sung nước cho các hồ chứa và đập.
Cục Khí tượng Thái Lan gần đây cho biết mùa hè chính thức bắt đầu từ hôm 21-2 và kéo dài đến giữa tháng 5. Cũng theo cơ quan này, Thái Lan có thể đối mặt một mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ tăng lên đến 44,5 độ C ở một số khu vực.
Trong khi đó, quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia vừa đưa huyện Petaling (bang Selangor) và TP Kuala Lumpur vào danh sách các địa điểm bị cảnh báo nắng nóng cấp độ 1, nâng tổng số địa điểm trong danh sách này lên 23. Cục Khí tượng Malaysia cũng đưa huyện Pokok Sena (bang Kedah) vào danh sách cảnh báo ở cấp độ 2.
Cảnh báo cấp độ 1 được đưa ra khi nhiệt độ tại một địa điểm lên đến 35 - 37 độ C trong 3 ngày liên tiếp; còn ở cấp độ 2, nhiệt độ là 37 - 40 độ C trong 3 ngày liên tiếp. Mùa khô nóng ở Malaysia năm nay đã bắt đầu sớm hơn so với 2 năm trước, với gió mùa Đông Bắc và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dự kiến kết thúc vào tháng 3.
Lào kể từ giữa tháng 2 năm nay cũng chứng kiến thời tiết nắng nóng với một số tỉnh ghi nhận nhiệt độ có lúc lên tới 37 độ C. Theo Cục Khí tượng thủy văn Lào, vào cuối tháng 2-2023, nhiệt độ thấp nhất ở các khu vực khác nhau của đất nước dao động từ 10 - 22 độ C, nhiệt độ cao nhất khoảng 18 - 35 độ C.
Nhìn chung, Đông Nam Á được xem là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và dự kiến sẽ hứng chịu những đợt nắng nóng mạnh hơn.
Trong lúc này, kỷ lục nhiệt độ cao đã bị phá vỡ tại nhiều thành phố lớn ở Úc trong mùa hè. Cục Khí tượng Úc đưa ra cảnh báo sóng nhiệt cho các vùng của bang New South Wales, có hiệu lực từ ngày 29-2 đến 2-3.
Theo trang Sky News, một số trạm thời tiết khắp TP Sydney, thủ phủ bang New South Wales, đã vượt quá mốc 40 độ C hôm 29-2. Thành phố này cũng vừa trải qua mùa hè nóng thứ 3 trong lịch sử.
Reuters cho biết một số trung tâm làm mát di động đã xuất hiện tại công viên ở Sydney để giúp người vô gia cư tránh nóng. Đây là lần đầu tiên trung tâm loại này được đưa vào sử dụng ở Úc.
Còn tại Mỹ, theo đài CNN hôm 1-3, bang Texas đang đối mặt đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi. Đám cháy này đã thiêu rụi hơn 400.000 ha rừng ở bang Texas và hơn 12.700 ha rừng ở bang Oklahoma tính đến tối 29-2 (giờ địa phương). Điều đáng lo là không khí khô và gió mạnh dự kiến tiếp diễn trong những ngày cuối tuần, đe dọa cháy rừng thêm lan rộng.
Bình luận (0)