Sau khi tham gia một số hội chợ, sản phẩm của Công ty TNHH Tái chế Cà phê Lộc Nhân được nhiều đầu mối nước ngoài tìm hiểu để nhập hàng. Giám đốc công ty, ông Nguyễn Tấn Lộc, cho biết năm 2025, công ty sẽ xuất khẩu lô quà tặng từ viên nén bã cà phê đầu tiên sang Singapore và xúc tiến xuất khẩu chế phẩm khử mùi từ bã cà phê sang Đức, Mỹ.
Nhiều tiềm năng
Theo ông Lộc, dạng sản phẩm viên nén dễ xuất khẩu nhưng dung lượng thị trường không lớn. Trong khi đó, nhu cầu về dung dịch khử mùi cao song đây là sản phẩm mới, chưa được phân loại nên thủ tục xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Do đó, công ty đang phát triển sản phẩm viên nén từ bã cà phê để làm chất đốt với thị trường lớn hơn.
Ông Lê Thanh, đồng sáng lập dự án AirX Carbon, cho biết đang xuất khẩu nhiều pallet làm từ xơ dừa đến thị trường Singapore, Malaysia, Úc, Mỹ... Sản phẩm này được ưa chuộng nhờ xu thế giảm dùng sản phẩm nhựa hoặc gỗ để bảo vệ môi trường.
Xơ dừa vốn là phụ phẩm nông nghiệp, được dùng để làm phân bón hoặc bện thành dây thừng nhưng tỉ lệ sử dụng còn rất ít. Dự án của AirX Carbon góp phần tăng thu nhập cho nông dân cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ông Võ Bửu Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt (chuyên các thiết bị chiết xuất tinh dầu từ nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp như vỏ bưởi, vỏ cam, lá sả...), thị trường xuất khẩu tinh dầu thiên nhiên rất tiềm năng. "Thủy Mộc Việt chưa xuất khẩu trực tiếp nhưng đối tác của chúng tôi đã xuất được dầu gội, sản phẩm chăm sóc tóc từ tinh dầu bưởi. Nhu cầu thị trường lớn, vấn đề là doanh nghiệp (DN) cần có thời gian để phát triển, đầu tư nhà máy đạt chuẩn" - ông Lợi nhìn nhận.
Một loại phụ phẩm khác là xơ mướp đã được bà Võ Thị Ngọc Thư - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vũ Nguyên, sáng lập thương hiệu xơ mướp Mộc Xơ - "biến hóa" thành đèn để bàn, dép, bông tắm, túi xách độc đáo. Theo bà Thư, sản phẩm của công ty được khách nước ngoài rất ưa thích. Nhiều khách hàng ở Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Úc... sau khi đặt đơn hàng đầu tiên đã quay lại mua những đơn hàng tiếp theo.
"Chúng tôi đã mở rộng vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Đà Nẵng..., cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước 5.000 - 10.000 sản phẩm/tháng" - bà Thư giới thiệu.
Với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech, trong 5 năm qua, DN đã tái chế khoảng 1.000 tấn vỏ quả dứa để sản xuất thành dung dịch rửa chén, rửa tay, lau sàn, nước giặt, nước rửa rau - củ - quả... Ông Đàm Văn Tính, Giám đốc bán hàng khu vực miền Bắc của công ty, cho hay các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên mang nhãn hiệu Fuwa3e đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Trung Quốc thông qua sàn thương mại điện tử như Amazon, Taobao.
Đáng chú ý, DN này cũng xây dựng các địa điểm refill (mô hình cửa hàng làm đầy) để khách hàng mang chai, hũ, hộp... tới nạp thêm sản phẩm từ các bình chiết, thùng chứa lớn. Điều này vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí so với việc mua chai đóng sẵn vừa bảo vệ môi trường.
Đối với ngành thủy sản, nhiều DN sử dụng phụ phẩm để tạo thành những sản phẩm giá trị gia tăng như da cá để làm collagen và gelatin. Ngoài ra, một số phụ phẩm thủy sản đã được xuất khẩu, chẳng hạn xuất khẩu bột cá để làm nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi năm 2024 lên đến 250 triệu USD.
Cần hỗ trợ tài chính
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 1/3 thực phẩm sản xuất ra, tương đương 1,03 tỉ tấn, sẽ bị thải bỏ hoặc thất thoát trong quá trình đi từ trang trại tới bàn ăn. Rác thải thực phẩm tạo ra khoảng 3,3 tỉ tấn CO2/năm, tương đương 7% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tỉ lệ này chỉ nhỏ hơn 1% so với lượng phát thải trong ngành thép - lĩnh vực công nghiệp có phát thải lớn nhất.
Tại Việt Nam, một khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số ước tính tổng lượng thực phẩm thất thoát từ chuỗi cung ứng khoảng 5,75 triệu tấn/năm, tương đương 60% lượng chất thải rắn.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng để đạt được mục tiêu về kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải carbon, vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, nhất là đầu tư về công nghệ tái chế và tái sử dụng carbon. Bên cạnh đó là đòi hỏi xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các giải pháp tái chế.
"Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi thuế, quy định về tái chế bắt buộc và tiêu chuẩn sản xuất bền vững để khuyến khích DN tham gia vào chuỗi giá trị tuần hoàn" - ông Thọ đề nghị.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chính phủ cần sớm ban hành danh mục "phân loại xanh", trong đó xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và giao tổ chức độc lập xác nhận xanh. Ngoài ra, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như tiêu chí dự án, công trình, nhà máy xanh...
"Bên cạnh ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, đầu tư xanh, cần hỗ trợ về tài chính thuế, phí, lãi suất, chi phí xác nhận xanh nếu có... cho các sản phẩm, dịch vụ xanh. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu thành lập quỹ chuyển đổi xanh, quỹ tăng trưởng xanh" - TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Về phía DN, bà Võ Thị Ngọc Thư cũng bày tỏ cần hỗ trợ để giảm bớt khó khăn khi sản xuất sản phẩm xanh bởi sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, khí hậu. Đến khi sản phẩm có được sức hút, được nhiều khách hàng đón nhận thì DN lại gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô.
Tập huấn cho doanh nghiệp
Từ quá trình tư vấn cho các DN tham gia xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Trần Đình Toản, Phó Chủ tịch OSB Group, đánh giá người tiêu dùng thế giới ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn đối với các sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu tiêu chí xanh và bền vững.
Vì vậy, nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để DN có thể sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng vận hành thương mại điện tử, hỗ trợ DN nắm bắt xu hướng mới...
Bình luận (0)