Trong lĩnh vực báo chí, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.
Trên đây là nhận định của ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), khi phát biểu khai mạc hội Hội thảo quốc tế: "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" do Bộ TT-TT phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 14-6 tại Hà Nội.
Dẫn báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỉ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%.
Đối với phát thanh, truyền hình, tỉ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%. Thứ trưởng cũng nêu bức tranh khó khăn của báo chí trong thời gian vừa qua trong việc phát hành cũng như khai thác quảng cáo, tăng doanh thu.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, dù báo in, báo điện tử hay phát thanh - truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. "Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách"- ông Dũng cho hay.
Đề cập đến thu phí nội dung trên báo điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai. Cụ thể, báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, các cơ quan báo chí nêu trên mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 6-4-2023, mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Với mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng rất thách thức trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.
Lãnh đạo Bộ TT-TT nhìn nhận kinh tế báo chí là một vấn đề vừa mang tính kinh viện vừa mang hơi thở của cuộc sống. Thứ trưởng kỳ vọng tại hội thảo này, các vấn đề về kinh tế báo chí truyền thông sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan báo chí cùng mổ xẻ, tìm hướng đi phù hợp.
Tại hội thảo, PGS-TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), cho rằng kinh tế báo chí nói chung đang thu hút nguồn thu trên môi trường số, thông qua các hệ thống nội dung số, thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, các dịch vụ thu phí bạn đọc với nội dung chuyên biệt, hấp dẫn…
Trong khi đó, Luật Báo chí hiện hành chưa công nhận các sản phẩm đặc thù trên nền tảng số là thể loại báo chí. Vì thế, theo ông Trung, cần bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí, đồng thời bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nội dung số được thuận lợi.
Theo PGS-TS Bùi Chí Trung, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. "Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động"- ông Trung đề xuất.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay. Đồng thời, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.
Bình luận (0)