Những năm gần đây, xu hướng "xanh" đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, chất lượng và ảnh hưởng đến môi trường. Sự chuyển mình này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) điều chỉnh quy trình sản xuất, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sức khỏe đang trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.
Thay đổi nhận thức của nhà sản xuất
Trong bối cảnh đó, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow với chủ đề "Sản xuất, tiêu dùng thực phẩm gắn với phát triển bền vững" vào sáng 8-11 với sự tham gia của TS Đỗ Việt Hà - chuyên gia về công nghệ thực phẩm, Phó Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị TP HCM; ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM. Chương trình có sự đồng hành của Công ty CP Acecook Việt Nam.
Chia sẻ tại chương trình, TS Đỗ Việt Hà cho biết xu hướng chung của thế giới là phát triển sạch, xanh và bền vững. Đây là xu hướng không thể thay đổi trong thời đại văn minh. Trong quá trình sản xuất đòi hỏi DN đầu tư nhiều hơn vào kỹ thuật cao. Để làm được điều đó, phải có chuỗi sản xuất sạch, an toàn từ gốc, để người tiêu dùng được thừa hưởng các giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đó là cam kết của Việt Nam với thế giới.
Ông Hà cho hay thực phẩm theo triết lý cho người tiêu dùng phải sạch. Hiện nay, thế giới đã sử dụng các chế phẩm sinh học. Như ở Anh, người dân sử dụng protein nuôi cấy từ nấm men để làm thịt. Nếu nuôi bò thì cần diện tích gấp 100 lần nuôi men, phát thải gấp 20 lần so với cấy men. Bù lại, nhà sản xuất phải đầu tư lớn dây chuyền sản xuất thông minh. "Nhưng tính ra giá thành protein từ cấy men rẻ hơn thịt bò. Điều này có thể mang đến sản phẩm xanh cho người có thu nhập thấp, giúp giảm nguy cơ bệnh tật" - TS Hà nêu lợi ích.
Tại Việt Nam, các DN cũng đã trao đổi, học hỏi công nghệ thông minh của người Do Thái, Nhật Bản… Công nghệ này kiểm soát được dịch bệnh, các loại sâu, ít sử dụng thuốc trừ sâu, trị bệnh. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sẽ ít phát thải các chất thải không mong muốn ra môi trường. Thực tế, một số DN đã sử dụng rau, thực phẩm an toàn cho quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sử dụng bao bì phân hủy nhanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường. "Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất bằng công nghệ thông minh, kiểm soát được chất lượng, bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường" - TS Đỗ Việt Hà nhấn mạnh và chỉ ra xu hướng sắp tới trong ngành thực phẩm sẽ là chuỗi an toàn kiểm soát được từ nguyên liệu, nuôi trồng, bảo quản, phân phối, lưu thông, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế rác thải.
Cơ hội dùng thực phẩm xanh cho người thu nhập thấp
Nói về vấn đề mua và sử dụng thực phẩm của công nhân, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM - ông Nguyễn Thái Thành - cho biết để tiết kiệm thời gian, chi phí, công nhân thường chọn thức ăn nhanh hoặc mua các quán lề đường, vỉa hè. Họ không có nhiều thời gian, vì phải làm việc suốt 6/7 ngày trong tuần, chưa kể thời gian tăng ca. Mỗi sáng hay chiều, khi tan giờ làm, họ ghé vội các xe hàng rong bên đường để mua thực phẩm về chế biến. Ngày cuối tuần, công nhân cũng không có điều kiện đi chợ mua thức ăn sơ chế sẵn, trữ cả tuần như nhiều gia đình. "Nhiều người giải thích thường mua thực phẩm ở các xe đẩy do giá rẻ và phù hợp với thu nhập. Một nữ công nhân kể chị rất muốn có những bữa ăn ngon cho cả gia đình nhưng không đủ thời gian và đủ kinh tế. Đây là điều thiệt thòi cho công nhân hiện nay" - ông Thành nói.
Còn tại DN, qua khảo sát của Công đoàn các KCX-CN thành phố, ăn bữa giữa ca của công nhân hiện nay chia 3 mức: dưới 25.000 đồng suất (chiếm đa số), từ 25.000 - 35.000 đồng/suất và trên 35.000 đồng/suất (chiếm số ít). Công nhân chỉ có 60 phút để ăn và nghỉ ngơi nên họ thường ăn vội vã, không có thời gian tiêu hóa. Bữa ăn giữa ca hiện nay cũng chưa phong phú vì bữa ăn công nghiệp nên các món ăn lặp đi lặp lại. Theo ông Thành, có một thực tế nữa là đa số công nhân "mù tịt" nơi cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của DN nên phó mặc cho sự may rủi.
Phó Chủ tịch Công đoàn KCX-CN TP HCM đề xuất để công nhân tiếp cận được thực phẩm xanh, DN cần ký kết với các nhà cung cấp thực phẩm sạch. Các Công đoàn cơ sở phải thương lượng để có bữa ăn giữa ca tốt cho công nhân. Địa phương phải ký kết cùng các nhà cung cấp an toàn để công nhân có thể tiếp cận thực phẩm xanh. Song song đó, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường truyền thông để công nhân nhận thức đúng về thực phẩm xanh.
Chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách
Theo TS Đỗ Việt Hà, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm an toàn từ các nhà sản xuất uy tín. Bà nội trợ nên nấu vừa đủ, không dư thừa, không hâm đi hâm lại thức ăn vừa mất dinh dưỡng, tốn năng lượng, tốn chi phí. "Theo quy tắc tiêu dùng thì mùa nào thức nấy. Khi thực phẩm bị phân hủy, chúng ta không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng nguy cơ ngộ độc lớn" - TS Hà nói.
Ông cũng đề nghị sắp tới, các cơ quan, chuyên gia dinh dưỡng nên hướng dẫn người tiêu dùng bảo quản thực phẩm đúng cách, rau loại gì để ở nhiệt độ nào, bao nhiêu ngày. Khi thức ăn nấu xong, bảo quản được bao lâu. Không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không phù hợp với thể trạng. Khi đi mua thực phẩm, bà nội trợ nên có kế hoạch trước vì thích gì mua đó thì không hiệu quả kinh tế lại bất lợi cho sức khỏe.
Bình luận (0)