Doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi xanh từ năm 2018 từ định hướng phát triển của Chính phủ cũng như từ việc đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Cũng như các nước khác, DN dệt may Việt Nam đã áp dụng chứng chỉ LEED. Tuy nhiên, các DN chưa thực hiện việc đánh giá và công nhận chứng chỉ này do chi phí cao (chiếm 10%-15% chi phí). Bên cạnh đó, các DN dệt may Việt Nam (gần 1.000 DN) cũng đã áp dụng Higg FEM - Facility Environmental Module (Mô-đun Môi trường Cơ sở Higg) được xây dựng bởi Liên minh May mặc Bền vững (SAC) tiếp nối là Cascale - cũng là một bộ tiêu chuẩn giúp đánh giá một nhà máy dệt may ở khía cạnh môi trường, bao gồm 7 yếu tố: Hệ thống quản lý môi trường, sử dụng năng lượng & phát thải khí nhà kính, sử dụng nước, nước thải, các loại phát thải khí, quản lý chất thải, quản lý hóa chất.
Việt Nam hiện là quốc gia có thứ hạng cao thứ hai về điểm trung bình quốc gia v-Higg FEM (Higg FEM 2022) đứng sau Trung Quốc và trước Bangladesh. Những kết quả mà ngành dệt may Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây về kim ngạch xuất khẩu với sự tăng trưởng đáng ghi nhận (8%-10%/năm) đã chứng minh được chiến lược phát triển đúng đắn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đại diện cho cộng đồng DN ngành dệt may đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án cho mục tiêu xanh hóa dệt may, như: Dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững" hay Nhóm tài nguyên nước năm 2030 thuộc World Bank hoạt động ở Việt Nam từ năm 2016...
Phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức chuỗi hội thảo như "cơ hội tài chính xanh cho sản xuất bền vững trong ngành dệt may Việt Nam" cũng như hợp tác với nhiều tổ chức đối tác khác tổ chức các khóa tập huấn hội thảo cho DN dệt may. Gần đây nhất là chương trình Hội thảo "Giải pháp giảm thải khí nhà kính cho DN dệt may và giày" diễn ra tại TP HCM.
Chiến lược phát triển ngành dệt may cũng đã được Chính phủ phê chuẩn. Trong chiến lược này đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, và từ năm 2031-2035 phát triển bền vững hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Dưới góc độ truyền thông về chuyển đổi xanh, ngành dệt may cần thông qua báo chí để phản ánh nhu cầu của ngành đối với nhà nước. Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh, tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của DN, rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành dệt may về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước…
DN cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho DN, kêu gọi các nhà đầu tư vào công nghệ xanh. Phản ánh kịp thời những kết quả đạt được của ngành cũng như kết quả đánh giá áp dụng công cụ Higg FEM.
Bình luận (0)