icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng Việt giàu đẹp: Được hay thắng?

Lê Minh Quốc

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Được làm vua, thua làm giặc". Vì sao được mà không phải là thắng: "Thắng làm vua, thua làm giặc"?

Trong tiếng Việt có những từ na ná nhau về ngữ nghĩa, do đó, có lúc hoán đổi mà người nghe vẫn hiểu. Dù sử dụng từ được/ thắng thì người nghe cũng hiểu theo nghĩa như "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) giải thích: "Được làm vua, thua làm giặc: Quyết làm để tỏ chí khí của mình, ví như người chủ tướng của nghĩa quân nổi dậy trong thời phong kiến mà giành được thắng lợi thì lên làm vua, nếu bị thất bại thì bị coi là giặc, can tội phản nghịch và bị tử hình".

Tiếng Việt giàu đẹp: Được hay thắng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa từ Internet)

Qua cách giải thích này, ta hiểu "được" theo nghĩa là "thắng"/ thắng lợi, thắng thế trong cuộc "nổi dậy". Rõ ràng từ thắng và thua có thể hoán đổi cho nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng câu tục ngữ này, dứt khoát chỉ có thể chọn lấy một trong 2 từ trên. Quả quyết như thế, vì ta biết, sở dĩ câu ca dao, tục ngữ được lưu truyền qua mọi thăng trầm, vượt thời gian còn vì đặc tính câu nói đó phải đạt đến tầm khái quát, có thể áp dụng trong mọi trường hợp.

Dẫu biết rằng vẫn có những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao ra đời gắn liền với sự kiện cụ thể nào đó trong lịch sử. Giải thích các câu này, từ năm 1914, Phó bảng Nguyễn Văn Mại đã biên soạn quyển "Việt Nam phong sử", trước đó đã có những quyển tương tự của người khác như "Nam Phong giải trào", "Sơn Tây phong dao", "Thanh Hóa quan phong"... Tuy nhiên, với câu tục ngữ trên, chúng ta không thể tìm được bất kỳ tài liệu nào chứng minh có liên quan gì đến cuộc "nổi dậy" cụ thể nào cả.

Cách giải thích của "Đại từ điển tiếng Việt" là căn cứ vào các từ "vua" và "giặc" mà đưa ra lý lẽ trên. Ai cũng biết "Vua. Người chịu mệnh trời thống trị trong một nước: vua nước Nam"; "Giặc. Kẻ làm loạn, kẻ giết hại người: Làm giặc, đánh giặc" - theo "Việt Nam tự điển" (1931).

Nếu chỉ dừng lại cách hiểu này, ta sẽ không giải quyết được các nghĩa phái sinh của từ "vua" và "giặc" khi áp dụng trong các trường hợp khác. Thí dụ, văn học sử Việt Nam, tôn vinh nhà văn Vũ Trọng Phụng là "ông vua phóng sự đất Bắc", NSND Viễn Châu là "ông vua vọng cổ"… Họ được thiên hạ ca ngợi là "vua" chính do tài năng, chứ nào phải "Người chịu mệnh trời thống trị trong một nước", cũng không phải từ "nổi dậy" tranh giành thắng - thua gì cả.

Với từ "giặc" cũng thế. Thí dụ, khi thấy đứa con quấy phá, tinh nghịch trổ trời, bực quá, bà mẹ mắng: "Bộ muốn làm giặc trong này à?". Từ "làm giặc" trong ngữ cảnh này không liên quan gì đến "giặc" trong câu ca dao: "Trời ơi sinh giặc làm chi/ Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường", không phải "Kẻ làm loạn, kẻ giết hại người" mà hiểu theo nghĩa quấy rối, rầy rà, huyên náo, tinh nghịch quá mức…

Tục ngữ còn có câu "Được ăn cả ngả về không", cả ở đây có nghĩa là lớn, còn hiểu được thì được vị trí cao nhất (vua), còn thua chỉ là thứ hạng bét (giặc). "Được" có nhiều nghĩa mà nghĩa trong những câu tục ngữ này được hiểu là "làm nên" ("Đại Nam quấc âm tự vị", 1895); "chiếm phần hơn, trái với thua: được trận, được cuộc, được bạc" ("Việt Nam tự điển", 1931).

Tóm lại, câu tục ngữ này chính xác là "Được làm vua, thua làm giặc". Ông bà ta chọn từ "được" là hướng đến tính khái quát chung cho mọi tình huống xảy ra, chứ không chỉ gói gọn trong một phạm vi "thắng - thua" của cuộc "nổi dậy": thắng (vua) - thua (giặc) mà "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) đã giải thích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo