Ngày 24-4, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải.
Nhiều kết quả từ mô hình 2 cấp dưới phường, xã
* Phóng viên: Thưa ông, khu phố, ấp; tổ dân phố, tổ nhân dân là mô hình tự quản, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của một đô thị có mật độ dân số đông. Không thể phủ nhận vai trò cầu nối của tổ dân phố, tổ nhân dân trong gần 5 thập kỷ. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của mô hình trên ở TP HCM?
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM NGUYỄN HỒ HẢI: Từ năm 1985 đến nay, TP HCM thực hiện mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn 2 cấp là khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân. Mô hình đã phát huy tác dụng trong nhiều năm.
Hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, hỗ trợ phường, xã, thị trấn trong việc triển khai tổ chức các hoạt động, vận động nhân dân phát huy vai trò tự quản, tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng ở khu dân cư với chính quyền để giải quyết, ổn định đời sống nhân dân.
Đặc biệt, trong 2 năm, từ năm 2020 đến 2021, lực lượng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để cùng chính quyền thành phố thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trực thuộc Đảng ủy phường, xã, thị trấn bảo đảm vai trò hạt nhân lãnh đạo. Hệ thống tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở khu phố, ấp thường xuyên được quan tâm củng cố, có nhiều chuyển biến tích cực về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tổ chức phát động nhiều phong trào mang ý nghĩa thiết thực đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, người tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân phần đông là cán bộ nghỉ hưu, có tâm huyết nhưng tuổi cao, sức khỏe có phần hạn chế; quy mô số hộ dân của một số tổ dân phố, tổ nhân dân đông; tổ dân phố không có đủ các chức danh Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Ban Công tác Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên cùng một số bất cập khác…
Kỳ vọng nhiều ở mô hình mới
* Những người tham gia tổ dân phố, tổ nhân dân là cánh tay nối dài, đắc lực của hệ thống chính trị, chính quyền. Đến hôm nay có thể nói họ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. TP HCM sẽ ghi nhận, tri ân lực lượng này như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện Kết luận số 911-KL/TU ngày 13-3-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy, thành phố thực hiện tri ân người tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân thông qua hình thức Thư tri ân của Chủ tịch UBND thành phố kèm quà tri ân; tổ chức hội nghị tôn vinh, khen thưởng người tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân căn cứ thời gian tham gia hoạt động của họ, phân cấp thẩm quyền khen thưởng.
Cụ thể, cấp xã tổ chức tôn vinh, khen thưởng người tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân có thời gian tham gia dưới 10 năm; cấp huyện tổ chức tôn vinh, khen thưởng với người có thời gian tham gia từ 10 năm đến dưới 30 năm; cấp thành phố làm tương tự với người có thời gian tham gia từ 30 năm trở lên. Ngoài ra, từng địa phương tùy theo điều kiện cụ thể để có các hoạt động tri ân bảo đảm trang trọng, tình cảm, ấm cúng.
* Thưa ông, thời gian tới Thành ủy TP HCM sẽ lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện mô hình mới như thế nào?
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khu phố, ấp tập trung vào kiện toàn tổ chức hoạt động của cấp ủy chi bộ khu phố, ấp, phát huy vai trò của người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp và người trực tiếp tham gia hoạt động khu phố, ấp được xác định tại Nghị quyết số 02/2024 của HĐND TP HCM.
Nghị quyết này quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn TP HCM, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội gắn với mô hình hoạt động khu phố, ấp.
Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng quy chế làm việc cụ thể theo hướng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, duy trì nền nếp trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề theo Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 12-HD/TW của Ban Tổ chức Trung ương. Cùng với đó, lãnh đạo hệ thống chính trị khu phố, ấp đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn dân cư.
Thành ủy tiếp tục có chỉ đạo khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của khu phố, ấp theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm để hoạt động khu phố, ấp ngày càng hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Sớm xây dựng nền tảng ứng dụng
Để hoạt động của các khu phố, ấp mới đi vào nền nếp, Thường trực Thành ủy TP HCM yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng nền tảng ứng dụng cho hoạt động khu phố, ấp. Qua đó, tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của TP HCM, bảo đảm phù hợp với tình hình hiện nay.
Việc này cũng giúp bảo đảm mối liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền với nhân dân, qua đó tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm "gần dân, sát dân".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-4
Bình luận (0)