Chương trình học thực tế 3 “Học kỳ doanh nghiệp” trong 4 năm đại học của sinh viên
Ngay từ khi bắt đầu chương trình học, sinh viên (SV) được thực hành ngay tại lớp một số môn học đặc thù như nấu ăn, trang trí, tham quan tại các doanh nghiệp (DN). Sau đó sẽ là “Học kỳ DN” chuyên sâu vào từng chuyên ngành, lĩnh vực mà SV lựa chọn theo sở thích của mình.
Nghề dạy nghề
Ý tưởng “Học kỳ DN” xuất phát từ thầy Nguyễn Hữu Nghị, Phó trưởng Khoa Du lịch, với mong muốn SV được cọ xát thực tế, trau dồi kinh nghiệm và tự tin khi ra trường. “Đặc thù của ngành du lịch là “nghề dạy nghề”. SV phải tiếp cận môi trường làm việc sớm ngay từ khi còn ở giảng đường thì mới làm việc giỏi” - thầy Nghị nói.
Thầy Nghị cho biết ở lớp SV học những kiến thức kỹ năng cơ bản về lý thuyết, sau đó xuống DN. Ví dụ set up bàn kiểu Á khác với kiểu Âu như thế nào, ở nhà hàng người ta phục vụ khách ra sao, bưng bê đồ ăn như thế nào… “Những kinh nghiệm này SV không thể học chay được” - thầy Nghị nhấn mạnh.
Điều đặc biệt, sau khi hoàn thành xong chương trình “Học kỳ DN”, mỗi SV sẽ được DN nhận xét, đánh giá và cấp chứng nhận nghiệp vụ mà SV đang học và làm việc, như giấy chứng nhận nghiệp vụ lễ tân khách sạn. Đây chính là “visa” để sau khi ra trường tìm kiếm nơi làm việc, SV tự tin với những kiến thức và kinh nghiệm mình đã có.
Thầy Hữu Nghị cũng cho biết: “Mỗi “Học kỳ DN”, SV sẽ học nhiều kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên vì đây là chương trình ĐH chứ không phải dạy nghề nên ngoài những kiến thức “cầm tay chỉ việc”, SV còn được trang bị kinh nghiệm nhận biết, phân tích và xử lý vấn đề trong từng tình huống cụ thể, rèn luyện sự nhạy bén”.
Đối với ngành Quản trị khách sạn - nhà hàng, SV được học và trải nghiệm thực tế tại khách sạn 5 sao InterContinental Asiana Saigon (Lê Duẩn, quận 1). Còn đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, trong tháng 11, trường ký hợp tác với một công ty du lịch của Saigontourist. Theo đó, trong 4 năm học, SV sẽ được tham gia 5 tour, trong đó có một tour xuyên Việt.
Hình thành tư duy nhà quản trị
Song song “Học kỳ DN”, SV vẫn phải hoàn thành chương trình thực tập tốt nghiệp, với việc luân chuyển qua những bộ phận khác nhau trong DN để trang bị đầy đủ các kỹ năng công việc, hiểu được cách thức vận hành và phối hợp của từng bộ phận trong tổ chức. Qua đó, bước đầu SV được hình thành tư duy của nhà quản trị.
Phần kiến thức tự chọn là những nghiệp vụ chuyên sâu như: hướng dẫn viên; lễ tân khách sạn, nghiệp vụ buồng phòng; phục vụ nhà hàng; chế biến món ăn, được xem như “giấy thông hành” để gia nhập ngành kinh doanh du lịch cho SV. Thầy Lê Văn Cúp (giảng viên ngành Quản trị du lịch và lữ hành) cho biết với ngành Quản trị du lịch và lữ hành, môn học Kỹ năng hoạt náo và tổ chức trò chơi là môn học thực hành rèn luyện cho SV rất nhiều kỹ năng thực tiễn.
Việc lựa chọn cơ quan thực tập rất quan trọng và luôn được khoa quan tâm, đưa SV đến những nơi đạt chuẩn, có thương hiệu, uy tín.
Bạn Phan Nữ Hồng Vy (SV năm 3 ngành Quản trị khách sạn - nhà hàng) chia sẻ: “Một tuần, SV được học 4 buổi thực hành tại trường qua các môn học như bếp Âu, bếp Á, làm bánh, cắt tỉa trang trí. Những buổi học thực hành, SV chúng tôi được tự tay chế biến và sáng tạo. Cùng làm, cùng nấu, cùng ăn, cùng dọn dẹp, việc học trở nên hứng thú và rất thoải mái”.
Bạn Nguyễn Hoàng Anh Lâm và Lê Trần Thanh Duy (chuyên ngành Quản trị khách sạn - nhà hàng) cho biết học thực hành giúp SV có môi trường rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là làm việc nhóm. “Mặc dù chơi thân với nhau ở lớp nhưng khi vào học thực hành, nhiều SV “giận hờn”, thậm chí… tranh luận gay gắt. Qua đó, chúng tôi học được cách quản lý cảm xúc, biết nhường nhịn và hỗ trợ nhau để có kết quả tốt” - Thanh Duy nói.
“Các môn học thực hành giúp SV tự tin trong nhiều tình huống như ứng xử, giải quyết vấn đề. “Học kỳ DN” theo mình là chương trình rất hay” - bạn Huỳnh Trọng Nhân (SV năm 4 Khoa Du lịch) chia sẻ.
Bình luận (0)