Trước năm 1975, TP Sài Gòn đã có hơn 60 rạp hát và rạp chiếu phim được xây dựng, bố trí trên cả 3 khu vực: Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn. Trong đó, nhiều nhất là khu vực Sài Gòn (bao gồm quận 1, 3, 10 ngày nay), với gần 30 rạp lớn, nhỏ. Sau ngày đất nước thống nhất, các rạp hát này được quốc hữu hóa và giao cho ngành văn hóa quản lý sử dụng.
Ngành văn hóa lại phân bổ cho các đơn vị trực thuộc sử dụng làm trụ sở và khai thác các hoạt động biểu diễn, chiếu phim, một số rạp còn lại được phân cho các ban ngành khác và các quận để phục vụ các hoạt động văn hóa của ngành, của địa phương. Từ đó đến nay, các rạp hát này lần lượt bị khai tử, biến mất, do nhiều lý do.
“Đất vàng” không dành cho văn hóa
Quá trình sử dụng, khai thác nhưng không tu sửa của nhiều đơn vị đã đẩy nhanh tình trạng xuống cấp của các rạp. Một số rạp do không được sử dụng đúng công năng, biến thành nhà kho, không ai còn nhận biết đó vốn là rạp hát. Một số rạp sử dụng lâu năm không được tu sửa đã xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các rạp nằm ở ngoại vi trung tâm TP đều không còn, do đã chuyển công năng, trở thành mặt bằng để xây dựng những công trình của địa phương.
Từ khi đất nước mở cửa, hoạt động liên doanh với nước ngoài phát triển rầm rộ. Các rạp hát, rạp chiếu phim, phần lớn đều nằm ở vị trí đất “vàng”, được sử dụng để góp vốn trong các liên doanh thực hiện những dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn… như rạp Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), rạp Lê Lợi trên đường Lê Lợi, rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ…
Rạp Vinh Quang (Casino Sài Gòn cũ) trên đường Pasteur
vừa bị đập bỏ đã thành làng ẩm thực Vũng Tàu. Ảnh: Tấn Thạnh
Một số rạp thuộc các trung tâm văn hóa quận quản lý, do chưa tìm được đối tác liên doanh nên còn giữ được rạp nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây, một số rạp dạng này được các nhà tổ chức biểu diễn tư nhân thuê cải tạo làm sân khấu biểu diễn nhưng chỉ hoạt động tạm thời vì có thể bị giải tỏa bất cứ lúc nào.
Công ty Phát hành Phim TPHCM là đơn vị còn giữ lại khá nhiều rạp, nhờ duy trì được mạng lưới chiếu phim của mình một thời gian khá dài trước khi hệ thống rạp chiếu của tư nhân ra đời. Từ khi chuyển lên công ty cổ phần với tên gọi mới Công ty Điện ảnh Sài Gòn, công ty này chỉ giữ lại một số rạp còn khả năng khai thác tốt như rạp Thăng Long, Trung tâm Chiếu phim Đống Đa… để hoạt động kinh doanh chiếu phim. Số còn lại phải chuyển giao cho Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn quản lý.
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác số lượng rạp còn trên địa bàn TPHCM, do quá nhiều cấp, đơn vị quản lý. Tuy nhiên, số lượng rạp thuộc các đơn vị văn hóa quản lý hiện còn cũng không ít nhưng đang trong tình trạng vướng các dự án liên doanh, dự án kinh tế hoặc đã có kế hoạch chuyển đổi công năng.
Rạp cho các đoàn chỉ còn cái xác
Do tình trạng quản lý phân chia nhỏ lẻ nên khối lượng tài sản khá lớn này trở thành tài sản riêng của từng đơn vị, không được sắp xếp quy hoạch lại và đầu tư xây dựng, sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng.
Việc phân bổ rạp cho các đoàn nghệ thuật, nhà hát những năm sau này gặp không ít khó khăn vì thực tế rạp chỉ còn là cái xác. Muốn sử dụng làm nhà hát phải đầu tư xây dựng lại, theo thiết kế hiện đại. Muốn xây dựng phải có kinh phí đầu tư của Nhà nước. Có nhiều ý kiến gợi ý TP cho bán một số rạp không cần giữ để lấy tiền xây dựng một số rạp ở khu vực trung tâm nhưng dường như ý kiến này không được quan tâm.
Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen bị đẩy về rạp Kim Châu ở đường Nguyễn Thái Bình để lấy mặt bằng xây dựng công trình liên doanh khách sạn tại khu đất mặt tiền đường Pasteur, quận 1. Đây là một mặt bằng có thể xây dựng nhà hát quy mô vừa, rất thuận lợi cho việc biểu diễn hơn là rạp Kim Châu đã xuống cấp lại không có vị trí thuận lợi.
Rạp chiếu phim Đại Nam (Trần Hưng Đạo, quận 1) nổi tiếng của Sài Gòn
trước năm 1975 đã trở thành khách sạn liên doanh Đại Nam. Ảnh: Tấn Thạnh
Không giành được vị trí ở 23 Lê Duẩn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM đã cải tạo rạp Nhân Dân (quận 5) để bố trí cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM làm trụ sở và làm nơi biểu diễn nhưng vị trí này không phải là đất diễn của loại hình nghệ thuật bác học này nên nhà hát không thể chuyển về.
Trung tâm Chiếu phim Đống Đa là công trình xây dựng duy nhất trên nền rạp hát cũ Palace (Trần Hưng Đạo, quận 5) mà Công ty Phát hành Phim TPHCM trước đây bỏ vốn đầu tư, với nhiều phòng chiếu theo tiêu chuẩn hiện đại.
Nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM, nói chẳng lẽ cả TPHCM chỉ trông chờ vào dự án nhà hát ở Thủ Thiêm (quận 2)? Trong khi dự án này chưa biết đến bao giờ mới có. Tại sao không xây thêm trên nền đất một số rạp hát cũ tại những địa điểm thích hợp những nhà hát quy mô nhỏ dành cho một số loại hình nghệ thuật đang không có chỗ biểu diễn?
Từng có hơn 60 rạp hát, rạp chiếu phim
Khu vực Sài Gòn: Alhambra – đường Nguyễn Cư Trinh; Alliance Française – Đồn Đất (Trung tâm Chiếu phim Fafilm); Aristo – Lê Lai (Đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của nữ nghệ sĩ Kim Chung); Casino Đa Kao – Đinh Tiên Hoàng; Casino Sài Gòn – Pasteur (tên mới là Vinh Quang nhưng nay vừa bị đập bỏ); Catinat (Nguyễn Huệ sau này là vũ trường Đêm Màu Hồng); Cầu Muối; Diên Hồng; Đại Đồng – Cao Thắng; Đại Nam – Trần Hưng Đạo (nay là khách sạn Đại Nam), Eden – Trung tâm Thương mại Eden; Hùng Vương (Lê Hồng Phong, quận 10 ngày nay), Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh; Khải Hoàn – Cống Quỳnh; Kinh Thành – Hai Bà Trưng; Lê Lợi – Lê Thánh Tôn; Long Phụng – Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay); Long Vân (nay là Nhà Văn hóa Sinh viên, đường Điện Biên Phủ), Mini Rex – Lê Lợi; Moderne – Tân Định; Nam Quang (góc Cách Mạng Tháng Tám và Võ Văn Tần ngày nay), Nguyễn Văn Hảo – Trần Hưng Đạo (nay là rạp Công Nhân - Nhà hát Kịch TPHCM); Olympic – Hồng Thập Tự (nay là Trung tâm Văn hóa TPHCM- đường Nguyễn Thị Minh Khai); Quốc Thanh – Nguyễn Trãi (nay là Trung tâm Tiệc cưới Giải trí Quốc Thanh); Rạng Đông – Pasteur; Rex – Nguyễn Huệ; Thanh Bình – Phạm Ngũ Lão; Thanh Vân (Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 ngày nay); Văn Hoa – Trần Quang Khải; Việt Long – Cao Thắng (nay là rạp chiếu phim Thăng Long); Vĩnh Lợi – Lê Lợi (nay là trung tâm thương mại)…
Khu vực Gia Định: Cẩm Vân (quận Phú Nhuận); Cao Đồng Hưng – Bạch Đằng (ngày nay là nhà sách thiếu nhi FAHASA); Đại Đồng – Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long, Bình Thạnh); Đồng Nhi – Lê Quang Định; Đại Lợi – chợ Ông Tạ (nay là Phạm Văn Hai), Lạc Xuân (quận Gò Vấp); Minh Châu – Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ); Văn Cầm (quận Phú Nhuận), Văn Lang (quận Phú Nhuận)…
Khu vực Chợ Lớn: Cathay – Chợ Cũ; Cây Gõ – Minh Phụng; Đại Quang; Hào Huê (nay là rạp Nhân Dân); Hoàng Cung; Hồng Liên; Khá Lạc; Kim Châu; Kinh Đô; Lệ Thanh; Lido – Đồng Khánh; Minh Phụng; Mỹ Đô (tên mới là Vườn Lài); Oscar – Trần Hưng Đạo; Phi Long; Palace (nay là Trung tâm Chiếu phim Đống Đa); Quốc Thái; Thủ Đô; Đồng Khánh; Victory Lê Ngọc… |
Bình luận (0)