Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên: Vừa qua, một đại biểu Quốc hội đã trả lời trên báo chí nên giải tán các Hội Bảo vệ người tiêu dùng nếu không có hành động gì trong vụ việc Khaisilk lừa dối người tiêu dùng suốt 30 năm, bà nghĩ sao?
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM
* Luật gia Phan Thị Việt Thu: Theo tôi thì đại biểu Quốc hội đó nên đọc lại Luật Bảo vệ người tiêu dùng do chính Quốc hội thông qua xem trong đó quy định chức năng, quyền hạn của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào. Hội đâu có quyền kiểm tra ai để phát hiện vi phạm. Còn cơ quan quản lý nhà nước ăn lương ngân sách có cả một hệ thống QLTT trong cả nước, chuyên đi kiểm tra, kiểm soát thị trường mà không chủ động phát hiện được vụ Khaisilk thì hội bảo vệ người tiêu dùng làm được gì? Chúng tôi chỉ là nơi tập hợp những người tự nguyện, tay ngang, không có chuyên môn, không có trang thiết bị, trụ sở,… để hoạt động.
Nhắc lại chuyện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) ra thị trường lấy mẫu bún thử tinopal, tuy cảnh báo đúng nhưng đã gặp áp lực rất lớn từ các cơ quan nhà nước, đến giờ vẫn bị nhắc nhở là sai quy trình. Rồi đến vụ lấy mẫu nước mắm, Vinastas dựa trên mẫu phân tích của phòng thí nghiệm công bố sai đã bị phạt. Thử hỏi có mấy ai vì nhiệt tình mà đi làm những việc đó để gánh chịu đủ thứ rủi ro cho mình trong khi chả có quyền lợi gì trong đó không?
Diễn tiến vụ việc Khaislik đến nay cho thấy việc quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm là khá rõ, tại sao Hội không đứng ra khởi kiện Khaisilk?
Đến thời điểm này chưa có người tiêu dùng nào mua lụa Khaisilk đến hội ủy quyền cho hội khởi kiện nên theo luật chúng tôi không thể đơn phương kiện Khaisilk. Hơn nữa, theo luật, bán hàng hóa không đúng chất lượng thì thu hồi trả lại cho người mua. Khi nào có người tiêu dùng bị tổn hại về sức khỏe tinh thần mà chứng minh được thì mới tính đến chuyện đòi Khaisilk bồi thường. Chủ thương hiệu Khaisilk đã công bố lộ trình thu hồi, cơ quan nhà nước đã tiến hành kiểm tra Khaisilk thì chúng tôi làm gì nữa. Nếu sau này Khaisilk không thực hiện lời hứa thu hồi thì chúng tôi mới can thiệp. Mà thực ra là cũng chỉ "la làng" để cơ quan chức năng giải quyết!
Cửa hàng Khaisilk trên đường Đồng Khởi hiện đang đóng cửa
Vậy thời gian qua hội của bà làm được những việc gì?
Chúng tôi chỉ thực hiện được chức năng hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp khi 2 bên thương lượng ban đầu không thành. Chúng tôi bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình giải thích cho 2 bên hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình để tiến tới thỏa thuận hòa giải. Nếu hòa giải không thành chúng tôi hướng dẫn người tiêu dùng làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi hòa giải được khoảng 60 vụ còn những năm trước đây được khoảng hơn 100 vụ/năm.
Ngân sách mỗi năm cấp cho hội bao nhiêu tiền để hoạt động, thưa bà?
Hoàn toàn không có. Sau rất nhiều lần kiến nghị, chúng tôi mới được Sở Công Thương TP HCM cho mượn một căn phòng để tiếp người tiêu dùng, tổ chức các buổi họp hòa giải, không được dùng làm trụ sở. Hội phải tự trả tiền nước, điện, điện thoại và lương cho nhân viên trực. Những khoảng chi này cá nhân tôi và Chủ tịch hội tự bỏ tiền túi ra. Thế nhưng, bản thân tôi rất nhiều lần bị người tiêu dùng gọi điện tới chửi xối xả vì tưởng hội ăn tiền ngân sách mà không bảo vệ họ theo ý họ mong muốn.
Như vậy là hội chấp nhận tiếp tục hoạt động một cách mờ nhạt?
Không cần ai bảo chúng tôi giải tán. Cứ cái đà này thì khi lứa những người nhiệt huyết như chúng tôi chết đi (bà Thu đã gần 70 tuổi - PV), hội sẽ tự động giải tán không ai làm. Chúng tôi đã mời nhiều lãnh đạo tham gia công tác hội nhưng đều bị từ chối. Không ai muốn ăn cơm nhà để tham gia một tổ chức hội chẳng có quyền lợi gì mà chỉ có trách nhiệm, áp lực.
Bình luận (0)