Phương án này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tán đồng, nhìn nhận đây là phương án tối ưu, phù hợp với đặc điểm thành phố. Quan trọng hơn là thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển với vai trò đầu tàu, động lực của TP HCM, dẫn dắt sự phát triển của đất nước, do đó TP HCM cần có lộ trình phù hợp, chậm nhất đến ngày 3-7 phải nộp đề án.
Từ năm 1975 đến nay, TP HCM trải qua 7 lần tách, nhập các đơn vị hành chính. Gần nhất là năm 2021, TP HCM sáp nhập 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức. Cũng trong năm này, TP HCM sáp nhập 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Sau 7 lần tách nhập đơn vị hành chính, hiện TP HCM có TP Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Với phương án sắp xếp 80 phường trên, TP HCM sẽ giảm còn 210 phường. Việc giảm số lượng phường góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều phường mới sau khi sáp nhập có quy mô dân số trên 45.000 người, gấp 3 lần so với tiêu chuẩn nhưng diện tích vẫn không đạt so với quy định.
Những khó khăn mà TP HCM phải đối diện là mật độ dân số trung bình cao và số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết tăng gấp đôi, gấp ba lần, trong khi công chức, viên chức phải giảm mà chế độ chính sách lại không tăng. Tình huống này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính để không lãng phí, hư hỏng cũng gặp nhiều khó khăn. Việc sáp nhập phường cũng ảnh hưởng đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan.
Một trong những vấn đề quan trọng khi thực hiện phương án này là phải tính đến việc sắp xếp nhân sự dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách, chế độ tiền lương cho công chức, viên chức sau sắp xếp. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, với các vấn đề vướng mắc về tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ..., thành phố sẽ giải quyết trong thẩm quyền. Về tiền lương cán bộ công chức, ông kiến nghị khoán quỹ lương cho TP HCM để thành phố vừa sắp xếp các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và tính được biên chế.
Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là vấn đề quốc gia, thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, trong đó sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một trọng tâm. Với TP HCM, đây cũng là cơ hội để tinh gọn bộ máy hành chính địa phương, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cán bộ công chức, nâng chất lượng phục vụ nhân dân. Đặc biệt, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, TP HCM xác định mục tiêu sau năm 2025 sẽ chuyển những hoạt động cơ bản của nền hành chính lên nền tảng số, từ đó bộ máy công vụ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bình luận (0)