Đáng lo ngại hơn, ở các vùng quê, dịch vụ làm đẹp bình dân như xăm chân mày, mí mắt, môi, trị mụn, tắm trắng, dưỡng da… mọc lên như nấm sau mưa. Nhân viên thực hiện bằng kinh nghiệm, không cần qua đào tạo để có giấy phép hành nghề.
Trong khi đó, quá trình làm đẹp này có thể gây chảy máu, tổn thương da, nhiễm trùng hoặc lây bệnh từ người này sang người khác. Đặc biệt khi làm đẹp đòi hỏi phải sử dụng các loại thuốc, thảo dược... kết hợp, nguồn gốc mập mờ nhưng lại được quảng cáo là từ thiên nhiên, không ảnh hưởng đến da nên khách hàng cũng nhắm mắt thực hiện.
Ở các thành phố lớn, chỉ số ít thẩm mỹ viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thực hiện những kỹ thuật cao như nâng mũi, sửa mũi, chỉnh cằm, nâng ngực, cắt da, hút mỡ… có các bác sĩ chuyên khoa, thiết bị máy móc hiện đại được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Đa phần các loại hình làm đẹp khác hoạt động một cách tự phát ở tiệm spa, cắt tóc, không cần chuyên môn nghiệp vụ và đã xảy ra hậu quả.
Báo chí thông tin nhiều nhưng trước những lời quảng cáo "có cánh", những biển hiệu dịch vụ làm đẹp trang trí hào nhoáng, nhiều khách hàng như lạc vào mê hồn trận, nhắm mắt đưa chân.
Thực tế cho thấy việc quản lý các cơ sở làm đẹp bình dân đang bị một số nơi bỏ ngỏ trong khi các dịch vụ này đều sử dụng thuốc, thiết bị làm thay đổi màu sắc da, hình dạng cơ thể... Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý một cách hiệu quả, thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các dịch vụ làm đẹp này. Cần đẩy mạnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên các tiệm spa để được cấp chứng chỉ hành nghề, giúp họ biết cách phòng tránh làm viêm nhiễm da khi thực hiện kỹ thuật làm đẹp.
Đặc biệt, khách hàng hãy là "người tiêu dùng thông minh". Khi quyết định làm đẹp, nên cân nhắc lựa chọn cơ sở cũng như dịch vụ thẩm mỹ uy tín, có giấy phép hành nghề, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Bình luận (0)