Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
"Với việc xây dựng và công bố PGI bên cạnh chỉ số PCI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ, đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường"- ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Công bố báo cáo PGI năm 2023, ông Edmund Malesky, Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến PGI, cho biết Quảng Ninh tiếp tục có vị trí quán quân ở Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 với 26 điểm (thang điểm 40). Đứng ở vị trí thứ và thứ 3 lần lượt là TP Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai. TP HCM đứng ở vị trí thứ 5 cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh, với 24,2 điểm.
Theo công bố của VCCI, năm 2023, tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai của TP HCM đạt 7,49 điểm (năm 2022 là 3,12 điểm), tiêu chí đảm bảo tuân thủ đạt 6,37 điểm (năm 2022 là 4,94 điểm), tiêu chí thúc đẩy thực hành xanh đạt 5,92 điểm (năm 2022 là 4,09 điểm) và tiêu chí khuyến khích dịch vụ hỗ trợ đạt 4,43 điểm (năm 2022 là 1,87 điểm).
Để đánh giá PGI, cơ quan khảo sát đã đưa ra 4 chỉ số thành phần chính, gồm: Các chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Khuyến nghị chính sách thúc đẩy các địa phương chuyển đổi xanh, ông Edmund Malesky nhấn mạnh các địa phương đang nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng với tính dịch chuyển đặc thù nên tỉnh, thành này vẫn có thể chịu tác động từ ô nhiễm môi trường của các địa phương lân cận. Do đó, cần có sự lan tỏa và hợp tác giữa các địa phương trong chuyển đổi xanh.
Theo ông Edmund Malesky, Chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho chính quyền cấp tỉnh trong quá trình chuyển đổi xanh để khắc phục những hạn chế về nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần có động lực, cơ chế khuyến khích dựa trên thị trường để doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường. Cuối cùng, thay đổi hành vi của người tiêu dùng với yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tạo động lực thay đổi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bình luận (0)