UBND TP HCM vừa có báo cáo tổng kết Đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030.
Theo báo cáo, thời gian qua năng suất lao động của thành phố luôn cao hơn bình quân cả nước trên 2,8 lần; tỉ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 23% GDP quốc gia.
Các chuyên gia đánh giá mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GRDP tăng thêm của TP HCM sẽ đóng góp 0,23% tăng trưởng tăng thêm GDP của cả nước. TP HCM đóng góp 27% thu ngân sách cả nước hằng năm và có số thu chuyển về trung ương cao nhất cả nước.
Theo UBND TP HCM, bên cạnh một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đang đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng.
Sự vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm. Giai đoạn 2011-2020, GRDP của thành phố tăng trung bình 6,86%/năm; năm 2020, quy mô kinh tế của thành phố chiếm hơn 25,79% và mật độ kinh tế gấp hơn 41,49 lần so với cả nước.
Kinh tế của thành phố đạt được mức tăng trưởng cao giai đoạn 2016-2019, tuy nhiên từ năm 2020 trở đi, do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19, tăng trưởng của thành phố giảm sút nghiêm trọng trong 2 năm 2020-2021.
Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, sự vượt trội về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh giảm, hạ tầng giao thông bất cập, cản trở lớn sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố.
Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM từ năm 2012 đến năm 2021 không tăng mà giảm từ 23% xuống còn 18%. Đến giai đoạn 2022-2025 tăng lên 21%.
Từ năm 2020 đến nay, TP HCM nhiều lần kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách ít nhất 23% nhưng chỉ được chấp nhận mức 21%.
Do đó, trong nội dung góp ý cho đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan" của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, TP HCM đề xuất giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách theo mức hiện nay là 21% đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.
Việc này nhằm tạo điều kiện để TP HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng chủ trương tại Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị.
Bình luận (0)