Thông tin này được bà Lữ Mộng Thùy Linh, Phó Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, cho hay tại hội nghị già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TP HCM, ngày 11-12.
Theo bà Linh, hiện trên địa bàn TP HCM có hơn 1,1 triệu người cao tuổi, trong đó mới chỉ khoảng 30% tham gia khám sức khoẻ miễn phí tại các trạm y tế.
Trong quá trình triển khai chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi, ngành y tế phát hiện hơn 200.000 người mắc bệnh tăng huyết áp và gần 56.000 người mắc đái tháo đường.
"Đặc biệt, qua các đợt khám sức khỏe, ghi nhận khoảng 49.000 người cao tuổi chưa biết mình bị cao huyết áp" - bà Linh nói.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là trầm cảm và lo âu ở người cao tuổi, đặc biệt là ở những người trên 80 tuổi có tỉ lệ trầm cảm gấp ba lần so với nhóm từ 60-69 tuổi. "Đây là một chỉ báo về sự cần thiết phải có những chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ bao gồm điều trị bệnh mà còn phải chăm sóc về mặt tinh thần cho người cao tuổi" - bà Linh thông tin.
Cũng tại hội nghị, trao đổi riêng với Báo Người Lao Động, PGS-TS-BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa - Khoa Y - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết thời gian gần đây, vấn đề người cao tuổi ngày càng trở thành thách thức lớn đối với cả TP HCM và toàn xã hội.
Một trong những vấn đề nổi bật là tình trạng "già mà không khỏe", khi người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý về xương khớp. Điều này đặt ra yêu cầu phải có chính sách chăm sóc toàn diện đối với người cao tuổi, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả tinh thần và xã hội.
Gánh nặng trước vấn nạn già hóa dân số hiện nay là người về hưu nhận lương hưu, trợ cấp xã hội chiếm tỉ lệ rất thấp, dưới 30%. "Đặc biệt, 1 người cao tuổi có trung bình 14 năm sống chung với bệnh tật và hơn 2 bệnh" - BS Tân nhấn mạnh.
Việc điều trị cho người cao tuổi gặp nhiều khó khăn vì họ thường mắc nhiều bệnh đồng thời, gây áp lực lớn cho ngành y tế. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức xã hội và các gia đình trong việc chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi. Chính sách an sinh xã hội, BHYT và các dịch vụ chăm sóc cần được xem xét và điều chỉnh để đảm bảo người cao tuổi không chỉ được điều trị bệnh mà còn có thể hòa nhập và sống một cuộc sống chất lượng.
Ngoài công tác điều trị, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là sự tham gia của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi. Gia đình cần có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi, đặc biệt là khi họ có những vấn đề như suy giảm nhận thức hoặc trầm cảm. "Nếu không có sự hỗ trợ đúng mức từ gia đình, người cao tuổi dễ bị bỏ rơi, dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp và gia tăng các rủi ro sức khỏe" - BS Tân nói.
Theo BS Tân, việc phát triển một hệ thống chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi, từ y tế đến hỗ trợ tinh thần và xã hội, là điều hết sức cần thiết. Các chính sách cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với sự thay đổi của cơ cấu dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu TP HCM, cho biết TP HCM hiện là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước và đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam.
Theo ông An, TP HCM hiện có hơn 1,3 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% dân số và dự báo sẽ đạt 20% vào năm 2030. Già hóa dân số mang đến nhiều thách thức như thiếu hụt lao động trẻ, tăng chi phí y tế và an sinh xã hội, đồng thời thay đổi cấu trúc gia đình và xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng mở ra cơ hội phát triển "nền kinh tế bạc", tận dụng kinh nghiệm và tri thức của người cao tuổi.
Bình luận (0)