xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăm năm ca Huế vẫn còn

Quang Tám

(NLĐO) - Có cội nguồn từ nhã nhạc cung đình, ca Huế đã đi vào đời sống dân gian và nay trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách.

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trời Huế mưa lạnh. Trên sông Hương, thi thoảng những chiếc thuyền rồng rời bến Tòa Khâm, ngược dòng lên mạn Bạch Hổ, Kim Long phục vụ du khách vãn cảnh và nghe ca Huế.

Suất diễn ngày Tết

Qua khỏi cầu Trường Tiền, chiếc thuyền neo lại trước bến Phu Văn Lâu để du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng. Trên thuyền, đoàn ca Huế với 4 nữ ca sĩ và 3 nhạc công đàn tranh, đàn nhị và đàn bầu, họ bắt đầu biểu diễn với thời lượng khoảng 45 phút.

Nguyễn Ngọc Huyền – nữ ca sĩ trẻ quê ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình và gắn bó với ca Huế hơn 11 năm, có giọng hát làm say đắm người nghe với những bài Thương về miền Trung, Chiếc nón bài thơ, Lý mười thương, Lý giao duyên...

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 1.

Buổi biểu diễn tất niên của các nghệ sĩ CLB ca Huế. Ảnh: Nghệ thuật ca Huế.

Cô chia sẻ rằng trước đây theo học đàn tranh tại một trường nghệ thuật ở Huế. Sau khi tốt nghiệp, Huyền đi làm nhưng thu nhập thấp nên theo học ngành kế toán tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Sau 4 năm, Huyền tốt nghiệp loại xuất sắc, được nhà trường giữ lại công tác nhưng vì đam mê nghệ thuật, cô trở lại với nghiệp ca hát.

"Tôi theo học ca hát trong một năm và thường xuyên đi biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách Tây tại các bữa cơm cung đình. Sau một năm được thẩm định, có chứng chỉ tôi được ra sông hát" - Huyền chia sẻ.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 2.

Biểu diễn ca Huế trên thuyền rồng sông Hương dịp Tết. Ảnh: Quang Tám.

Theo các nhà nghiên cứu, ca Huế đã ra đời cách đây khoảng 300 năm, có cội nguồn từ nhã nhạc cung đình. Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) lý giải tên gọi ca Huế, bởi những người từ đèo Ngang (Quảng Bình) trở vào tới Bắc núi Hải Vân (Thừa Thiên - Huế) hát ca Huế chuẩn giọng, không bị "trạy bẹ".

Ca Huế trên sông Hương ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện: Quang Tám

Công chúa Mai Am – con gái thứ 25 vua Minh Mạng (1791-1841) là người soạn lời kèm nhã nhạc 10 bài ngự "Thập thủ liên hoàn" trong đó bài đầu là "Cẩm Tuyết" rồi đến Phẩm Tuyết, Nguyên tiêu… Từ đó, nhiều người mới sáng tác ra các bài như Nam Ai - Nam Bình, Nam xuân, Hành vân, Tứ đại, Quả phụ...

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 3.

Sông Hương như một sân khấu lớn của nghệ thuật ca Huế. Ảnh: Quang Tám.

Qua thời gian, ca Huế đi vào công chúng. Ở môi trường này không thể ca những bài bài bác học nên ca Huế biến tấu, đưa vào các điệu lý như Lý mười thương, Lý giao duyên… Vì vậy, dân ca và ca Huế gặp nhau nhằm phục vụ rộng rãi quần chúng.

Chuyện "đời anh đó"

Nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ca Huế, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, là người sinh ra trong gia đình yêu thích ca Huế. Sau năm 1975, ông gặp gỡ các nghệ nhân và chơi ca Huế ở nhà bà Từ Cung Hoàng thái hậu ở đường Phan Đình Phùng, TP Huế.

Sau đó, ông cùng 8 nghệ sỹ khác như Nguyễn Văn Tân chơi đàn Nhị, Lê Văn Cần (đàn tì bà), Châu Thới (đàn tranh), và các ca sĩ Kim Thành, Quỳnh Hoa, Thanh Tâm, Minh Tâm đặt vấn đề với Phòng Văn hóa – Thông tin TP Huế xin được biểu diễn ca Huế ở số 47 Trần Hưng Đạo vào thứ 4, thứ 7 hằng tuần và có thu vé.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 4.

Các nghệ sĩ biểu diễn tại buổi tất niên Quý Mão. Ảnh: CLB ca Huế.

Ngày 20-8-1983, CLB ca Huế được thành lập. Ở đó không đơn thuần chỉ để biểu diễn, mà là nơi các nghệ nhân với nhiều thành phần khác nhau, các nghệ sĩ già thích đàn hát, vui chơi gặp gỡ. Và ca Huế thính phòng chỉ là một "gạch đầu dòng" của CLB ca Huế.

Sông Hương nước chảy lững lờ, có đặc điểm phản âm rất tốt, người ngồi trên thuyền nghe lời ca rất rõ. Vậy nên người xưa đã rất thông minh khi biến những chiếc thuyền thành thính phòng nổi để chơi ca Huế.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 5.

Tốp nữ biểu diễn trên thuyền rồng sông Hương. Ảnh: Quang Tám

Đầu năm 1984, nhà thơ Võ Quê bắt đầu khởi xướng diễn ca Huế trên sông Hương. Và những ai yêu thích nghe ca Huế trên sông chỉ cần góp tiền thuê đò khai thác cát sạn của anh Đới – "đời anh đó" chở, trả thù lao cho nghệ sĩ. Vậy là họ đã có một đêm lênh đênh trên dòng Hương thơ mộng; để được nghe các giai điệu ngọt ngào réo rắt, khi vui, lúc buồn da diết với điệu hò Mái nhì; những điệu Nam Ai, Nam Bình...

"Khi đưa ca Huế xuống sông Hương, nhiều người bêu rếu tôi là một nhà thơ mà xuống chiếc đò nhếch nhác. Nhưng chiếc đò là trung tính, là phương tiện chuyên chở, người ta có thể đưa cái tốt hoặc cái xấu đến chứ nó không phải bản chất là xấu. Cụ Phan Bội Châu cũng sắm cho mình một chiếc đò để sáng tác đó thôi" – nhà thơ Võ Quê chia sẻ.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 6.

Bài hò đối đáp giữa nam và nữ tại buổi biểu diễn ca Huế phục vụ du khách trên thuyền rồng. Ảnh: Quang Tám.

Và sau đó, khi thấy nhiều du khách đến với ca Huế trên sông Hương, những năm 1990 một số doanh nghiệp đã sắm thuyền rồng kinh doanh.

Khi ca Huế bắt đầu nổi thì sinh viên nhiều trường ĐH trong cả nước về với Huế, nghe ca Huế trên sông Hương. Đây là đối tượng khán giả thích ồn ào, vui vẻ, sôi động, nếu đưa những điệu Nam Ai - Nam Bình vào phục vụ thì chắc gì họ đã hiểu, đã đủ thời gian thẩm thấu. Vì vậy, ngoài những bài ca Huế, những nghệ sĩ như ông Võ Quê đã đưa thêm trích đoạn tuồng như Trần Bồ, Thoại Khanh - Châu Tuấn vào phục vụ. "Chúng tôi không làm cho ca Huế biến chất. Các bài bác học vẫn giữ để giới thiệu tới các em và từ đó sản sinh ra ca kịch Huế" – ông Võ Quê nói thêm.

Để ca Huế vẫn còn

Ca Huế "ồ ạt" xuống sông Hương, trở thành sản phẩm du lịch cạnh tranh nên chương trình bị cắt bớt, giá vé giảm, nghệ sĩ giảm thù lao và xuất hiện tình trạng không lành mạnh. Nhà thơ Võ Quê cùng những người bạn đã quyết định đưa ca Huế lên bờ với mục đích dành cho các người già - những người không đủ sức làm du lịch tới chơi.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 7.

Nghệ sĩ Diệu Bình biểu diễn tại CLB ca Huế. Ảnh: CLB ca Huế.

Ngày 20-8-2013, kỷ niệm 30 năm thành lập CLB ca Huế, họ đã khai trương ca Huế thính phòng tại số 25 Lê Lợi, trực thuộc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao TP Huế nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Các buổi biểu diễn không bán vé để không phải chiều theo thị hiếu khách.

"Sông Hồng cho phù sa vựa lúa Thái Bình. Sông Cửa Long cho phù sa vựa lúa, cây trái Nam bộ. Sông Hương chỉ mang "phù sa" tới cho ngành du lịch. Một chiếc thuyền du lịch tốt trên sông Hương bằng người ta làm một ha lúa trong 3 tháng. Nhưng Huế chưa tận dụng được hết "phù sa" của sông Hương" - nhà thơ Võ Quê.

Đó là nơi để các nghệ nhân như Minh Mẫn, Thanh Hương biểu diễn, truyền đạt lại cho thế hệ mai sau. Để khán giả hiểu về một quá trình khổ luyện kèm với tài hoa mới tạo ra được những "mệ già" là các gạo cội ca Huế.

"Mục đích thứ hai của chúng tôi là tiếp tục phát triển, duy trì những bài bản lớn như Nam Ai - Nam Bình; Tứ đại; Nam sung, Quả phụ. Tiếp đó là đào tạo những bạn trẻ qua các tiết mục tiếng đàn, lời ca từ hàng ghế khán giả. Qua đó đã có nhiều ca sĩ được phát hiện Lê Minh Vũ, hay như Trang Thùy vốn là cô gái bán dừa và nay là một nhà văn" – ông Võ Quê cho biết.

Trăm năm ca Huế vẫn còn- Ảnh 8.

Các nghệ sĩ trẻ rời thuyền sau buổi biểu diễn phục vụ du khách vào một đêm cuối năm Quý Mão. Ảnh: Quang Tám.

Có 3 yếu tố làm nên ca Huế, gồm tiếng đàn, người ca và soạn lời. Thuở xưa, Ưng Bình, Vu Hương, Kiều Khê là những văn nhân nổi tiếng soạn lời cho ca Huế, nhưng giờ đây không còn ai. CLB ca Huế đã thành công khi biến những diễn viên thành những soạn giả.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo