Nghệ nhân Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn học dân gian Huế, đưa chúng tôi đến bến đò Tòa Khâm. Mặt nước êm đềm, khi đò vừa rời bến, những giai điệu ngũ cung vang vọng trên sông. Ở đó có một gia tộc 4 đời sống với nghệ thuật ca Huế.
Gia tộc cả đời sống với ca Huế này đã chào đón chúng tôi niềm nở. Họ giới thiệu từng thành viên đã bền chặt với CLB ca Huế mà ngày 22-8 tới đây là tròn 40 năm thành lập.
Ông Võ Quê, người dẫn chuyện, cho biết vào năm 1980, ở bến này có một người chèo đò tên Đới. Ông đã khắc tên mình lên mạn đò dòng chữ "Đò anh Đới" - đọc lái là "Đời anh đó". Đây là chiếc đò đầu tiên thể nghiệm việc tổ chức ca Huế phục vụ du khách.
Dần dà, ông Đới và nhiều người dân đã phát triển ca Huế trên sông Hương thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu ở vùng đất cố đô. Đến năm 1983, CLB ca Huế đã ra đời.
Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng (phải) và nghệ nhân Châu Loan biểu diễn ca cảnh “Mẹ Suốt” trên sông Hương
Gia tộc ca Huế nêu trên khởi nguồn từ vợ chồng nghệ sĩ Ngọc Yến - Kim Oanh. Cả đại gia đình - từ con trai, con gái đến dâu rể và các cháu - đều hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca Huế. Riêng người con trai trưởng - NSND Ngọc Bình - được coi như một tài năng quý của sân khấu ca kịch Huế.
Năm 2000, Ngọc Bình đã thử sức mình khi thể hiện hình tượng Bác Hồ qua vở diễn "Ca múa nhạc sử thi". Vai diễn này đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả nhiều vùng miền. Không chỉ là một diễn viên tài hoa, ông còn là đạo diễn của hơn 100 vở diễn nhiều thể loại, nổi bật nhất là ca Huế.
Gia tộc ca Huế này còn có con gái là nghệ nhân Sao Mai, cháu cố là nhạc công Khánh "bầu", nghệ nhân Đỗ Trung Hùng (đàn nguyệt chồng của nghệ sĩ Kim Kiều, em gái Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng), cùng các cháu nội, ngoại, cháu cố hơn 15 thành viên đều tham gia ca Huế dưới sự dìu dắt của Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng (bà ngoại của Khánh "bầu").
Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng bộc bạch: "Ba mẹ tôi đã để lại di sản rất lớn cho con cháu, đó là nghệ thuật ca Huế. Ca Huế hình thành như một dòng chảy văn hóa và chúng tôi sẽ bám chặt dòng chảy này, trao truyền cho thế hệ mai sau để cùng giữ gìn, nâng niu".
Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng cho biết dù đời sống có khó khăn đến đâu, gia tộc bà cũng ưu tiên việc truyền nghề, không để ca Huế bị mai một. Nghệ nhân Kim Vàng khoe năm 1995, anh của bà là NSND Ngọc Bình giữ trọng trách Trưởng Đoàn Ca kịch Huế. Ông đã lặn lội khắp nơi kêu gọi anh chị em đang lưu lạc với nhiều nghề khác nhau trở lại đoàn luyện tập, xây dựng các chương trình mang đậm bản sắc Huế.
Với sự dìu dắt của NSND Ngọc Bình, Đoàn Ca kịch Huế ngày càng khẳng định vị thế của một loại hình sân khấu truyền thống đối với người xem trong và ngoài nước. Năm 1997, Ðoàn Ca kịch Huế đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng hai.
Nhạc công Khánh "bầu" tự hào: "CLB ca Huế sắp tròn 40 năm thành lập. Là thế hệ con cháu kế thừa, chúng tôi luôn nỗ lực giữ gìn sự chuẩn mực của ca Huế, để du khách đến với cố đô sẽ không thể không lưu luyến với con đò và những giai điệu của nghệ thuật biểu diễn ca Huế trên dòng sông Hương thơ mộng".
Ngoài gia tộc ca Huế nêu trên, vùng đất cố đô còn có nghệ nhân Hà Trung (chuyên đàn tranh) và thạc sĩ Đình Hưng (Nhạc viện Huế) cũng rất tích cực truyền nghề cho nhiều bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc, để họ có thể vừa đàn vừa ca Huế.
Bình luận (0)