Lý giải của các cơ quan chức năng cũng đã rất rõ ràng: tăng giá nhằm có ngân sách đầu tư nâng chất lượng khám chữa bệnh trả công tương xứng cho đội ngũ nhân viên y tế và qua đó phục vụ người dân tốt hơn. Nhưng bên cạnh viễn cảnh trên, không thể không thừa nhận người bệnh sẽ trả tiền nhiều hơn, trong bối cảnh số đông người dân có thu nhập chưa cao.
Có thể nói bài toán nâng chất lượng hệ thống y tế - nâng mức hưởng thụ chăm sóc y tế rất khó giải đối với Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Nguyên do chính vẫn là mức thu nhập của người dân còn thấp, không thể tăng giá đột ngột dịch vụ y tế để có tiền tái đầu tư, mở rộng đào tạo, mua sắm trang thiết bị hiện đại…
Tăng giá từ từ thì sẽ kéo dài quá trình phát triển của hệ thống y tế như thực trạng chúng ta đang thấy ở hiện tại. Hình dung vấn đề này cũng khá rõ, là giá dịch vụ y tế sẽ thường tăng gần các thời điểm tăng lương cơ bản. Dẫn chứng, năm 2016, 2018, 2019 và 2023 tăng lương thì giá dịch vụ y tế cũng tăng theo. Và cũng từng ấy năm hệ thống y tế cũng phát triển tương ứng và có phần đột phá bởi sự tham gia ngày cành mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân.
Tăng giá y tế sẽ tạo áp lực lên người dân. Con đường tự chủ y tế cũng bắt buộc phải trải qua. Dung hòa 2 vấn đề này là quá trình khá nan giải đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Quan trọng hơn là thời điểm áp dụng tăng giá y tế để không ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh của tình hình kinh tế - xã hội.
Bối cảnh kinh tế hiện nay chưa khả quan vì ảnh hưởng bất lợi từ sau đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới căng thẳng. Nhiều ngành đang trong giai đoạn cải tổ, số người mất việc vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục… thì tăng giá bất ngờ sẽ gây khó khăn cho người dân.
Y tế là dịch vụ cực kỳ đặc thù. Nó là chi phí bắt buộc chứ không phải chi phí lựa chọn. Chúng ta có thể từ chối một món đồ trang phục hoặc lựa chọn thực phẩm giá rẻ trong khi ngân khoản eo hẹp. Còn chi phí y tế là phải trả dù trong hoàn cảnh nào nếu chẳng may mắc bệnh. Gánh nặng của nhiều gia đình ở chỗ này và bi kịch đã từng xảy ra cũng ở chỗ này.
Để giảm thiểu tác động của việc tăng giá, rất may chính là mô hình bảo hiểm y tế mà chúng ta đã triển khai nhiều năm qua. Để mô hình này phát huy tốt nhất còn quá nhiều việc phải làm, như là mở rộng danh mục thanh toán, nâng chất lượng thụ hưởng, minh bạch chi phí quản lý, chi trả… Bảo hiểm y tế phải trở thành ngành chủ đạo của hệ thống y tế phục vụ số đông người dân như các nước tiên tiến đã thực hiện.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân là nghĩa vụ, chứ không đơn thuần là dịch vụ thuận mua vừa bán. Nên nâng giá để nâng chất lượng phụ vụ y tế là mục tiêu quan trọng, nhưng cũng không thể xem nhẹ các mục tiêu khác mà bấy lâu nay chưa làm được: Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, nâng tỉ lệ bác sĩ trên số dân và nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu…
Bình luận (0)