Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân Ảnh: VOV
"Tôi chưa nói tới việc chạy chức, chạy quyền mà chỉ trong quá trình lãnh đạo, anh cảm thấy không ngang tầm nhiệm vụ thì nên rút lui. Người có liêm sỉ biết anh dừng ở đâu để khống chế lòng tham.
Một bộ trưởng được Quốc hội bầu mà qua 2 năm để ngành mình liên tục bị xã hội bức xúc, tác động tích cực không có, thậm chí phát biểu ngây ngô thì bãi chức được chứ! Với cấp thấp hơn cũng hoàn toàn kiểm soát được nếu đánh giá cán bộ định lượng thay vì định tính. Đó cũng chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương là kiên quyết thay thế nhân sự không còn xứng đáng, có vi phạm mà không đợi hết nhiệm kỳ.
...Giải trình trước Quốc hội cứ nói "tôi xin chịu trách nhiệm" nhưng trách nhiệm cụ thể là cái gì? Ở đây có trách nhiệm chính trị, uy tín của người đó giảm sút thì phải thay. Còn trách nhiệm pháp lý thì có trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính và kinh tế. Nói nhận trách nhiệm thì anh phải nhận hình thức nào đó chứ! Cứ nói chung chung thì chỉ tạm thời dịu lắng sự bức xúc của người khác.
Cơ chế giải trình là hình thức giám sát của cơ quan có thẩm quyền với nhân sự do mình bầu, phê chuẩn. Nhưng có những phiên giải trình như cung cấp thông tin, thậm chí thanh minh, nhận trách nhiệm chung chung thì hoạt động giải trình chưa thực chất. Đúng ra cơ quan giám sát phải truy trách nhiệm đến nơi đến chốn để người đó phải chịu một trách nhiệm cụ thể".
(Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nêu quan điểm trên VOV).
Bình luận (0)